KTĐT - Chủ tịch FED Ben Bernanke đã nói rằng các hợp đồng mua lại nghịch đảo có phạm vi rộng sẽ được thực hiện với các ngân hàng, Fannie Mae và Freddie Mac và một số thể chế khác.
Thông tin cho biết, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED trong nhiều tuần tới sẽ tiến hành kế hoạch có liên quan đến cái được gọi là “hợp đồng mua lại nghịch đảo”. Đây là một công cụ mà FED có thể sử dụng để rút về một số tiền mà cơ quan này đã bơm vào nền kinh tế nhằm “xoa dịu” cuộc khủng hoảng tài chính.Đây sẽ là một cuộc thử nghiệm cho việc thi hành chính sách rút lui khỏi thị trường. Tuy nhiên, FED vẫn nhấn mạnh, lần thử nghiệm này không có nghĩa là chính sách sẽ xuất hiện một bất cứ một sự thay đổi nào. Hành động này chỉ là đang từ từ lấy đi các khoản vốn dư thừa.
Hợp đồng mua lại nghịch đảo nhằm chỉ FED sẽ bán số chứng khoán từ danh mục đầu tư của nó, sau đó cam kết vào thời điểm nào đó trong tương lai sẽ mua lại chúng với giá khá cao, nhằm tạm thời thu hồi vốn để khống chế lượng lưu thông vốn trên thị trường.
Nhà sách lược về lãi suất vốn của Barclays Capital cho biết: “Chúng tôi không cho rằng, điều này thể hiện, FED sẽ nhanh chóng thi hành các biện pháp rút lui khỏi thị trường hay sẽ thực hiện trong vài quý tới. Điều quan trọng nhất bây giờ là để thị trường hiểu rõ, cho dù FED không thi hành các biện pháp rút lui, thì các biện pháp rút lui này vẫn khả thi”.
Ngoài việc mua lại nghịch đảo trái khoán, FED còn có thể nâng lãi suất, để tạo lợi tức cho các khoản vốn nước ngoài đang gửi tại FED, cùng với việc trực tiếp bán số trái khoán mà FED đang sở hữu cho các nhà đầu tư, nhằm lấy lại các khoản tiền dư thừa trên thị trường.
Chủ tịch FED Ben Bernanke đã nói rằng các hợp đồng mua lại nghịch đảo có phạm vi rộng sẽ được thực hiện với các ngân hàng, Fannie Mae và Freddie Mac và một số thể chế khác. Một vài nhà phân tích nói rằng FED có thể tác động tới thị trường tiền tệ giữa các quỹ tương hỗ. Dẫu vậy, trong lời phát biểu vào thứ hai (30/11), các nhà phân tích vẫn nói rằng các kế hoạch của FED sẽ được thực hiện cùng những nhà phân phối chứng khoán hàng đầu.
Bảng cân đối kế toán của ngân hàng trung ương đã tăng thêm hơn 2 nghìn tỷ USD – phản ánh những chương trình đặc biệt mà FED đã thực hiện nhằm khuyến khích cho vay, ổn định hóa các ngân hàng và phục sinh nền kinh tế. Đó là khoản hơn gấp đôi tài khoản trong bảng cân đối trước khi cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra.
Một thử thách lớn cho FED đó là việc quyết định thời điểm bắt đầu tăng mức lãi suất và thời điểm rút về những biện pháp trợ giúp kinh tế tài chính. Rút về những biện pháp trợ giúp quá sớm có thể làm chệch hướng sự hồi phục kinh tế. Còn nếu giữ các biện pháp trợ giúp quá lâu thì sẽ có nguy cơ bùng nổ lạm phát.
Ngoài ra, theo điều tra mà hãng tin Bloomberg đã tiến hành với 45 chuyên gia kinh tế, trước tháng 8 năm sau, FED sẽ không thể nâng lãi suất. Đồng thời, các quan chức của FED và các cơ quan phân tíc đều đưa báo cáo cho rằng, vấn đề tổn thất tín dụng và thiệt hại cho vay thế chấp trong ngành ngân hàng Mỹ vẫn chưa được giải quyết hoàn toàn.