Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày 2/10, chỉ số Dow Jones mất 74,15 điểm (tương ứng 0,22%) về còn 33.433,35 điểm. Trong khi đó, S&P 500 nhích nhẹ 0,01% lên 4.288,39 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cũng tăng 0,67% lên mức 13.307,77 điểm và ghi nhận phiên leo dốc thứ tư liên tiếp.
Russell 2000 - chỉ số tập trung vào các doanh nghiệp vốn hóa nhỏ, sụt 1,6% trong ngày 2/10. Đây cũng là lần đầu tiên trong năm nay chỉ số này ghi nhận sắc đỏ, cho thấy những khó khăn của các cổ phiếu vốn hóa nhỏ.
Russell 2000 thường được xem là một chỉ báo rõ ràng hơn về sức khỏe của toàn bộ nền kinh tế, do chỉ số này tập trung vào các doanh nghiệp nhỏ.
Phiên giao dịch trái chiều của sàn Phố Wall diễn ra trong bối cảnh lợi suất trái phiếu tăng kỷ lục. Trong ngày 2/10, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm nhảy vọt lên 4,7%, mức cao nhất kể từ tháng 10/2007.
Discover là cổ phiếu có thành tích tốt nhất trong nhóm chỉ số S&P 500 với mức tăng gần 5%. Công ty sản xuất thiết bị y tế Insulet tăng 3,5%, còn nhà chế tạo chip Nvidia cộng gần 3%.
Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, chỉ có 3 lĩnh vực gồm công nghệ, dịch vụ truyền thông và tiêu dùng không thiết yếu ghi nhận sắc xanh trong phiên này. Cụ thể, dịch vụ viễn thông tăng 1,5%, còn công nghệ cùng hàng tiêu dùng lần lượt cộng 1,3% và 0,3%.
Cuối tuần trước, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật ngân sách tạm thời sát thời điểm bước sang ngày 1/10 - thời điểm bắt đầu của năm tài khóa mới. Sau đó, Tổng thống Joe Biden đã ký để dự luật tạm thời chính thức trở thành luật duy trì ngân sách cho Chính phủ Mỹ hoạt động tới giữa tháng 11. Khoảng thời gian 45 ngày được cho là cần thiết để Quốc hội Mỹ hoàn tất dự luật ngân sách cho năm tài khóa mới.
Trong phiên giao dịch này, giới đầu tư giữ tâm lý thận trọng sau khi một quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bóng gió về khả năng sẽ duy trì lãi suất cao trong thời gian lâu hơn để đưa lạm phát về mục tiêu 2%.
Phát biểu tại một hội nghị ở New York ngày 2/10, Phó Chủ tịch phụ trách giám sát của Fed Michael Barr cho rằng ngân hàng Trung ương Mỹ cần duy trì lãi suất cao trong thời gian dài hơn để kiềm chế lạm phát một cách vững chắc.
Ông nhấn mạnh, câu hỏi quan trọng nhất đối với Fed trong thời điểm hiện tại không phải là có tiếp tục tăng lãi suất trong năm nay hay không, mà là cần duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh tay trong bao lâu để đạt được các mục tiêu đề ra. Theo quan chức này, Fed cần duy trì mức lãi suất cao thêm một thời gian nữa.
Trong thời gian gần đây, thị trường chứng khoán Mỹ chịu áp lực từ nguy cơ Chính phủ Mỹ phải đóng cửa, kịch bản tồi tệ có thể tác động bất lợi đối với định hạng tín nhiệm quốc gia cũng như sức khỏe của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ngoài ra, giới đầu tư Phố Wall cũng gia tăng lo ngại về khả năng Fed sẽ giữ lãi suất cao hơn lâu hơn để kiềm chế lạm phát.
Chiến lược gia đầu tư cấp cao Kevin Gordon của Charles Schwab nói với đài CNBC rằng trong lịch sử, thị trường thường “không quan tâm” đến việc Chính phủ đóng cửa.
Ông lưu ý thêm rằng hiệu suất trung bình của chỉ số S&P 500 từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc một đợt đóng cửa trước đây “về cơ bản là không thay đổi”.
Theo vị chiến lược gia này, các dữ liệu liên quan đến sức khỏe kinh tế Mỹ sẽ là những yếu tố chính tác động đến thị trường Phố Wall trong thời gian tới.