Fed chưa từ bỏ chính sách “diều hâu”, chứng khoán Mỹ tiếp tục lao dốc

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ giảm phiên thứ hai liên tiếp khi các quan chức Cục Dự trữ Liên bang (Fed) phát tín hiệu cho thấy chiến dịch mạnh tay tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát còn lâu mới kết thúc.

Chứng khoán Mỹ giảm phiên thứ hai liên tiếp trong ngày 17/11. Ảnh: AP
Chứng khoán Mỹ giảm phiên thứ hai liên tiếp trong ngày 17/11. Ảnh: AP

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày 17/11, chỉ số Dow Jones sụt 7,51 điểm (tương đương 0,02%) xuống còn 33.546,32 điểm, sau khi lao dốc tới 314 điểm trong phiên. Trong khi đó, S&P 500 0,31% về mức 3.946,56 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite sụt 0,35% xuống còn 11.144,96 điểm.

Các chỉ số chính trên sàn Phố Wall thu hẹp mức giảm ở cuối phiên giao dịch một phần nhờ đà tăng gần 5% của cổ phiếu Cisco Systems. Công ty thiết bị kết nối mạng công bố kết quả kinh doanh quý III vượt mong đợi của giới phân tích và đưa ra dự báo lạc quan trong quý IV. Các cổ phiếu công nghệ khác như Apple và Intel cũng tăng.

Trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, giới đầu tư thận trọng sau tuyên bố về chính sách lãi suất của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh St. Louis, ông James Bullard. Trong một bài phát biểu ngày 17/11, ông Bullard cho rằng “lãi suất điều hành hiện tại vẫn chưa ở trong vùng có thể gây tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế”.

Đồng thời, ông Bullard lưu ý: “Sự thay đổi trong lập trường chính sách tiền tệ dường như mới chỉ có những tác động khá hạn chế đối với số liệu lạm phát, nhưng định giá của thị trường đang hàm ý rằng lạm phát được kỳ vọng sẽ giảm xuống trong năm 2023”.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm, vốn có độ nhạy cảm cao với lãi suất, tăng mạnh lên mức 4,45% trong phiên ngày 17/11. Đà tăng này phản ánh mối lo ngại rằng lãi suất tăng cao sẽ đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Trước đó, phát biểu trên tờ Wall Street Journal hôm 16/11, bà Esther George - Chủ tịch Fed chi nhánh Kansas, nhận định: “Thị trường việc làm đang rất thắt chặt. Tôi không chắc rằng Fed có thể thực hiện kiềm chế mức lạm phát cao như hiện nay xuống mà không gây ra sự giảm tốc thực sự trong nền kinh tế. Thậm chí, nền kinh tế có thể suy giảm để chúng ta có thể đạt được mục tiêu lạm phát”.

Cũng có quan điểm tương tự, ông Philip Jefferson - một trong 6 thành viên Hội đồng Thống đốc Fed, hôm 17/11 khẳng định việc kiềm chế được lạm phát là cách tốt nhất để đảm bảo duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững.

Những cổ phiếu có độ nhạy cảm cao với suy thoái cũng chính là những cổ phiếu mất giá nhiều nhất trong S&P 500 phiên này, gồm cổ phiếu nguyên vật liệu cơ bản và tiêu dùng không thiết yếu.

Giám đốc đầu tư toàn cầu của UBS Global Wealth Management, ông Mark Haefele, đánh giá: “Chính sách thắt chặt tiền tệ cùng với ảnh hưởng từ các  đợt tăng lãi suất trong năm nay đang đẩy nguy cơ suy thoái kinh tế tăng  cao. Chúng tôi tin rằng các yếu tố kinh tế vĩ mô cho một cuộc phục hồi bền vững - bao gồm cắt giảm lãi suất, và một mức đáy trong tốc độ tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp - rồi sẽ đến lúc xuất hiện, nhưng chưa phải bây giờ”.

Theo ông Chris Senyek - Giám đốc chiến lược đầu tư của Wolfe Research, phát biểu của Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis cho thấy Fed sẽ không sớm đảo chiều chính sách mạnh tay tăng lãi suất trong tương lai gần.

Trong bài phát biểu hôm 17/11, Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis James Bullard nói rằng ngân hàng trung ương Mỹ nên nâng lãi suất quỹ liên bang lên tối thiểu 5-5,25% và có thể tăng tới 7%.

Chuyên gia Senyek nhận định rằng lãi suất quỹ liên bang có khả năng tăng đến 6%. “Theo quan điểm của chúng tôi, các phát biểu của quan chức Fed gần đây ủng hộ kịch bản lãi suất sẽ lên tới 6%. Dự đoán thị trường tiêu cực trong trung hạn của chúng tôi vẫn được giữ nguyên” - ông Senyek viết trong một bài phân tích ngày 17/11. 

 

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần