Lần cuối cùng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tạm dừng tăng lãi suất là vào tháng 6 năm nay, sau khi tăng lãi suất 10 lần liên tiếp. Trong cuộc họp của FOMC vào tháng 7, cơ quan này đã quyết định một lần nữa tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản.
Fed được tin vẫn đang nỗ lực để đạt được mục tiêu lạm phát 2%. Lạm phát tại Mỹ tăng nhẹ trong tháng 8, với Chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng thị trường lao động có dấu hiệu hạ nhiệt. Đây là điều Fed hướng đến để xác nhận nền kinh tế đang đi đúng hướng.
"Việc tái cân bằng thị trường lao động đã diễn ra theo một cách rất nhẹ nhàng thông qua sự sụt giảm lớn về cơ hội việc làm, tỷ lệ thất nghiệp tăng rất ít và số lượng việc làm giảm rất ít so với lực lượng lao động" - Jan Hatzius, nhà kinh tế học tại Goldman Sachs, bình luận gần đây.
Ngoài ra, các tín hiệu cho thấy Fed ngày càng tin tưởng vào khả năng "hạ cánh mềm" của nền kinh tế - kịch bản mà Mỹ hướng tới mục tiêu tiếp tục chống lạm phát nhưng vẫn tránh được suy thoái kinh tế nghiêm trọng.
Trong cuộc họp báo hồi tháng 7, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết ngân hàng trung ương của Mỹ không còn dự báo một viễn cảnh suy thoái kinh tế vào năm 2023, đánh dấu sự thay đổi so với đầu năm nay khi các chuyên gia và nhà lập pháp đã dự đoán về nỗi đau khó tránh đối với nền kinh tế hậu đại dịch.
Tuy nhiên, ông Powell thời điểm đó cảnh báo rằng điều đó không đồng nghĩa với việc Fed chắc chắn ngừng tăng lãi suất trong thời gian còn lại của năm nay.
Ông nói: "Chúng tôi kiên quyết đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2% theo thời gian... Lạm phát nhiều lần tỏ ra mạnh hơn những gì chúng tôi và dự báo từ các tổ chức, nhưng đến một lúc nào đó điều đó có thể thay đổi. Chúng tôi phải theo dõi dữ liệu sát sao".
Thông báo hôm 20/9 của FOMC xác nhận rằng có thể sẽ có thêm nhiều đợt tăng lãi suất nữa. Fed cũng công bố những dự báo mới nhất về hướng đi của nền kinh tế Mỹ trong vài năm tới. Đáng chú ý, 12 trong số 19 thành viên Fed bỏ phiếu ủng hộ các quyết định lãi suất, dự đoán sẽ có một đợt tăng lãi suất nữa trong năm nay.
Các sự kiện kinh tế lớn khác cũng có thể làm phức tạp thêm các quyết định của Fed trong tương lai. Quốc hội Mỹ có thời hạn đến ngày 30/9 này để đạt được thỏa thuận về việc tài trợ cho Chính phủ, và nếu họ không thực hiện trước thời hạn đó, Chính phủ Mỹ sẽ đóng cửa. Điều đó có nghĩa là Cục Lao động và Thống kê sẽ không báo cáo dữ liệu kinh tế, bao gồm cả số liệu về việc làm và lạm phát hàng tháng. Fed vì vậy cũng sẽ không có thông tin cần thiết để thực hiện động thái lãi suất tiếp theo.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã bày tỏ một số lo ngại về tác động của việc Chính phủ đóng cửa đối với nền kinh tế. Bà nói với CNBC hồi đầu tuần này: "Chúng ta có một nền kinh tế tốt, mạnh mẽ và việc tạo ra một tình huống có thể gây mất đà là thứ không cần thiết, bị coi là rủi ro vào thời điểm này".
Ngoài ra, việc nối lại khoản thanh toán nợ của sinh viên vào ngày 1/10 tới có thể gây căng thẳng cho chi tiêu của người tiêu dùng, và điều này có thể khiến Fed phải xem xét kỹ hơn quyết định với lãi suất sau đó.
Vì vậy, mặc dù thông báo "hãm phanh" tăng lãi suất hôm 20/9 là một dấu hiệu tốt cho hướng đi của nền kinh tế Mỹ, nhưng người tiêu dùng nước này được cho vẫn chưa thể thở phào nhẹ nhõm.