Sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định giảm mạnh lãi suất ở mức 0,5%, phần lớn các đồng tiền châu Á đều ghi nhận mức tăng kỷ lục trong tuần trước. Đồng Baht Thái Lan có tuần tăng giá thứ 9 liên tiếp và là chuỗi dài nhất kể từ tháng 6/2020. Đồng ringgit của Malaysia, đồng tiền hoạt động tốt nhất của châu Á trong năm nay, đạt mức cao nhất kể từ tháng 3/2022. Đồng Nhân dân tệ Trung Quốc cũng tăng vọt lên mức cao nhất trong 16 tháng so với đồng USD dù Ngân hàng Trung ương Trung Quốc thông báo giữ nguyên lãi suất hôm 20/9.
Giới phân tích giữ quan điểm lạc quan về triển vọng phục hồi của các đồng tiền ở khu vực châu Á, dù giảm nhẹ một số đặt cược giá lên vào các đồng tiền này, theo kết quả một cuộc khảo sát mới nhất của hãng tin Reuters.
Động thái giảm mạnh lãi suất của Fed trong tuần vừa rồi đã giúp cải thiện sức hấp dẫn của các tài sản có độ rủi ro cao hơn, đồng thời rút ngắn chênh lệch lãi suất giữa Mỹ với châu Á.
Theo Reuters, các đặt cược giá lên đang có vị thế lớn nhất ở đồng ringgit của Malaysia và baht Thái Lan. Trong đó, mức đặt cược vào đồng baht đang ở mức cao nhất kể từ tháng 1/2023, một phần nhờ các yếu tố kinh tế vĩ mô tích cực và nền chính trị đang đi vào ổn định ở nước này.
Trong ngày 23/9, đồng baht Thái Lan được giao dịch với tỷ lệ 32,8 baht “ăn” 1 USD Mỹ, mức cao nhất trong hơn 19 tháng. Đồng nội tệ Thái Lan hiện đã phục hồi tới 13% so với đồng bạc xanh sau khi chạm mức thấp nhất 37,17 baht/1 USD vào tháng 4.
Trong những tuần gần đây, kỳ vọng Fed hạ lãi suất đã gây áp lực mất giá lên đồng USD, mở ra dư địa phục hồi và gia tăng sức hấp dẫn cho đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi. Hầu hết các đồng tiền ở khu vực châu Á đã tăng mạnh so với USD trong tháng 8 và xu hướng này duy trì trong những tuần đầu của tháng 9.
“Chúng tôi không loại trừ một đợt suy yếu tiếp theo của đồng USD trong những tuần tới, và sức ép giảm giá của USD so với các đồng tiền ở châu Á nói chung sẽ được duy trì” - các nhà phân tích của Ngân hàng Barclays nhận định với Reuters.
Chỉ số Dollar Index - phản ánh sức mạnh của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, đã trượt dần về gần mốc 100 điểm, từ mức 104 điểm ở thời điểm cuối tháng 7.
Các chuyên gia của Ngân hàng Barclays cho rằng các đồng tiền châu Á sẽ tiếp tục tăng giá trong quý 4 năm nay, song xu hướng đó có thể đảo ngược trong nửa đầu năm 2025.
Nhà kinh tế Ryota Abe thuộc Ngân hàng Sumimoto Mitsui Banking Corp cũng nhận định rằng quan điểm của thị trường về việc Fed tiếp tục mạnh tay nới lỏng chính sách trong thời gian còn lại của năm nay “dường như là sự lạc quan thái quá”, và điều này có thể dẫn tới sự điều chỉnh trên thị trường ngoại hối các nền kinh tế mới nổi ở châu Á.
Sự thận trọng này được xem là nguyên nhân khiến vị thế đặt cược giá lên vào đồng nhân dân tệ Trung Quốc và đồng đôla Singapore giảm về mức của cách đây 1 tháng. Tuy nhiên, đặt cược vào sự tăng giá của đồng peso Philippines đạt mức cao nhất 4 năm.
Các nhà phân tích tham gia cuộc khảo sát của Reuters cũng tin tưởng vào triển vọng tăng giá của đồng rupiah Indonesia. Đây là lần khảo sát thứ tư liên tiếp cho thấy kết quả khả quan về rupiah - chuỗi dài nhất kể từ tháng 5/2023. Ngoài xu hướng dòng vốn chảy vào các thị trường mới nổi, sự tăng giá của rupiah còn đến từ các yếu tố kinh tế vĩ mô tích cực của Indonesia.
Đồng rupiah đã leo dốc hơn 6% từ tháng 7 đến nay, và ngay cả khi Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI) bất ngờ hạ lãi suất trước Fed hôm 18/9 vừa qua để hỗ trợ tăng trưởng, xu hướng tăng của đồng tiền này được dự báo sẽ duy trì.
Các nhà phân tích của Barclays cho rằng tổng lượng giảm lãi suất của BI so với của Fed sẽ ngang bằng hoặc ít hơn một chút và điều này sẽ “không khiến đồng rupiah giảm sức hấp dẫn đối với thị trường, xét ở góc độ chênh lệch lãi suất”.