FED tiếp tục tăng lãi suất, giá vàng sẽ ra sao?

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Rạng sáng 23/3 (giờ Việt Nam) Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định nâng lãi suất 25 điểm cơ bản, bất chấp những bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng. Trước phiên họp, vàng đã lao dốc rất mạnh.

Vàng xuống gần 1.900 USD/ounce

Trước thềm cuộc họp của Fed, trên thị trường quốc tế, giá vàng đạt 1.940,66 USD/ounce, giảm 2,27 USD vào lúc 20 giờ 31 ngày 22/3 theo giờ Việt Nam.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Sự chú ý chuyển sang kết luận của cuộc họp thiết lập chính sách kéo dài hai ngày của Cục Dự trữ Liên bang, với việc ngân hàng trung ương Hoa Kỳ dự kiến tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản.

Sau động thái tăng 0,25%, phạm vi lãi suất chuẩn của Fed được nâng từ 4,75% lên 5%. Trước đó, nhiều chuyên gia tin cơ quan này tiếp tục tăng lãi suất để trấn an thị trường, giữ uy tín và chống lạm phát.

"Hệ thống ngân hàng Mỹ vẫn ổn và vững chắc"; "Các diễn biến gần đây có thể dẫn tới điều kiện tín dụng thắt chặt hơn đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp, đồng thời gây áp lực lên hoạt động kinh tế, tuyển dụng và lạm phát. Mức độ tác động vẫn chưa chắc chắn. Ủy ban vẫn rất chú ý tới rủi ro lạm phát"; "Ủy ban sẽ theo dõi sát thông tin sắp tới và đánh giá tác động đối với chính sách tiền tệ" - trích từ tuyên bố của FOMC (Ủy ban Thị trường mở Liên bang) sau cuộc họp.

Việc Fed tiếp tục tăng lãi suất là không có lợi cho giá vàng. Lãi suất tăng cao sẽ làm giảm sức hấp dẫn của vàng - vốn được coi là một công cụ phòng ngừa lạm phát, làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lãi. Trong khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm dao động gần mức cao nhất trong phiên.

Sau khi ồ ạt mua ròng vàng trong tuần trước, quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust liên tục bán ròng trong 2 phiên đầu tuần này. Hiện quỹ đang nắm hơn 923 tấn vàng.

Thị trường đang tin rằng Fed sẽ tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm nữa và sau đó có thể “án binh bất động” để chờ xem điều gì sẽ xảy ra.  Ông Michael Hewson - Trưởng bộ phận phân tích thị trường tại CMC Markets, nhận định: "Một đợt tăng lãi suất thấp hơn có thể cung cấp chất xúc tác để vàng tăng lên tới 2.000 USD/ounce, nhưng cần phải có bằng chứng rõ ràng rằng chính sách thắt chặt lãi suất đã kết thúc để giá vàng đẩy lên mức cao kỷ lục".

Vàng vẫn sẽ còn “mệt” với lãi suất

Giá vàng thế giới giảm 2 phiên liên tục, từ 2.010 USD/ounce xuống 1.942,5 USD/ounce. Trước đó, vàng đã tăng hơn 100 USD sau vụ phá sản của Silicon Valley Bank vào đầu tháng này.

Sau khi tăng phi mã, giá vàng gặp phải áp lực chốt lời ồ ạt từ giới đầu tư. Chốt phiên 22/3, giá vàng miếng của SJC giảm 150.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra. Niêm yết ở mức 66,45 triệu - 67,15 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Giá vàng trong nước thường diễn biến theo vàng thế giới, vì vậy, phiên sáng nay 23/3, rất có thể giá vàng trong nước chưa thể đảo chiều tăng mà sẽ giảm.

Cùng với đợt nâng lãi suất thứ 9 kể từ tháng 3/20222, FOMC lưu ý họ không chắc sẽ nâng lãi suất trong tương lai và phụ thuộc hoàn toàn vào dữ liệu sắp tới. Rất khó cho vàng trong giai đoạn tới khi Mỹ tuyên bố chưa sớm cắt giảm lãi suất.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, bước sang năm 2023, Fed sẽ đưa mặt bằng lãi suất lên 5,1% hoặc hơn. Thông điệp của Fed đã trở nên rõ ràng hơn rằng, lãi suất vẫn tăng dù tốc độ tăng chậm, nhưng báo hiệu cho thấy Fed vẫn chưa sớm từ bỏ chính sách thắt chặt tiền tệ. Giá vàng vẫn chịu nhiều sức ép với lãi suất trong năm 2023.