Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội lần thứ nhất năm 2019: Cơ hội quảng bá đặc sản Thủ đô

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với quy mô 300 gian hàng, festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội lần thứ nhất năm 2019 được xem là một trong những hội chợ thương mại nông sản lớn nhất từ trước đến nay. Sự kiện diễn ra đến hết ngày 17/12, mang ý nghĩa quan trọng đối với mục tiêu quảng bá đặc sản Thủ đô.

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT và UBND TP Hà Nội tham quan gian trưng bày cây cảnh tại Festival Sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội lần thứ Nhất năm 2019. Ảnh: Lâm Nguyễn
Đa dạng sản phẩm nông nghiệp, làng nghề 
Hai ngày cuối tuần qua, khu hội chợ triển lãm, giao dịch kinh tế và thương mại trên đường Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy) không khác một lễ hội mua sắm. Ước tính chỉ trong hai ngày, đã có hàng vạn người dân Thủ đô đến thăm quan, mua sắm tại festival.
Chị Đào Thu Phương, hiện cư trú tại khu đô thị An Bình (quận Bắc Từ Liêm) cho biết, không chỉ quy tụ đa dạng các sản phẩm nông nghiệp, mà các nông sản thực phẩm được bày bán đều có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Chị Phương và hàng vạn du khách hoàn toàn có thể an tâm về an toàn, chất lượng sản phẩm.
Tại lễ khai mạc festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội lần thứ nhất năm 2019, UBND TP đã công bố quyết định phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của Hà Nội (đợt 1). Theo đó, TP công nhận 11 sản phẩm đạt hạng 3 sao, 13 sản phẩm đạt hạng 4 sao, và 2 sản phẩm có tiềm năng đạt 5 sao đề nghị T.Ư công nhận sản phẩm OCOP Quốc gia.
Bên cạnh các nông sản, thực phẩm thiết yếu, đến với festival, người dân còn được tiếp cận với các sản phẩm làng nghề độc đáo, được mục sở thị khu triển lãm Hà Nội 4 mùa hoa, thưởng thức những món ẩm thực được trình diễn ngay tại hội chợ…
Không chỉ đưa các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề có chất lượng tốt nhất đến với người tiêu dùng Thủ đô, festival còn mang đến cơ hội quảng bá sản phẩm, cũng như những cơ hội hợp tác giao thương đầy tiềm năng dành cho các tổ chức, DN, cơ sở sản xuất.
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương (huyện Đông Anh) Phạm Thị Lý cho biết, đến với festival, đơn vị đã có cơ hội giới thiệu sản phẩm rau hữu cơ sinh học mà tại Hà Nội hiện chưa được sản xuất phổ biến. Thông qua hội chợ, nhiều đơn vị đã bày tỏ sự quan tâm đến sản phẩm của đơn vị và đặc biệt được trao đổi kinh nghiệm, hợp tác đầu tư.
Chỉ sau hai ngày diễn ra, khối lượng sản phẩm hàng hóa tiêu thụ tại festival ước tính lên tới hàng chục tỷ đồng. Nhưng quan trọng hơn, đó là nông sản, thực phẩm và các sản phẩm làng nghề của Thủ đô đã đến được và ghi dấu ấn với đông đảo người dân Thủ đô, cũng như các tỉnh, TP lân cận. 
Chuẩn hóa sản phẩm để hội nhập 
Lần đầu tiên được tổ chức với quy mô được xem là lớn nhất từ trước đến nay, festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội năm 2019 đã để lại nhiều ấn tượng. Festival cũng đã phần nào cho thấy, thế mạnh về sản phẩm nông nghiệp, làng nghề của Hà Nội đang được phát huy, tạo sự chuyển động mạnh mẽ trong hội nhập, góp phần nâng cao đời sống cho người nông dân.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu cho rằng, với định hướng tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao và an toàn vệ sinh thực phẩm, việc tổ chức festival là thực sự cần thiết. Cùng với tạo cơ hội cho các tổ chức, DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong quảng bá sản phẩm, festival còn tạo kênh kết nối, thu hút và thúc đẩy phát triển nông nghiệp và làng nghề Hà Nội. Đây cũng là dịp để Hà Nội quảng bá nét văn hóa thông qua các sản phẩm nông nghiệp và làng nghề tiêu biểu tới Nhân dân, bạn bè và du khách quốc tế.
Tham dự lễ khai mạc festival cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, những thành tựu về sản xuất nông nghiệp Hà Nội được thể hiện qua sản phẩm trưng bày cho thấy nỗ lực rất lớn của Hà Nội trong triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Dù vậy, trong bối cảnh hội nhập, thách thức đặt ra đối với ngành nông nghiệp vẫn rất lớn.
Để thích ứng với cạnh tranh ngày một lớn của thị trường, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, các địa phương (trong đó có Hà Nội) cần tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm cấp xã thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Nghiên cứu, tiến tới chuẩn hóa quy trình sản xuất trên cơ sở ứng dụng có hiệu quả tiến bộ khoa học – công nghệ. Cùng với kiên trì trong thực hiện, cần liên tục đổi mới sáng tạo để nhân lên các sản phẩm OCOP có chất lượng, đáp ứng nhu cầu trong nước, hướng tới xuất khẩu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần