Theo nghị quyết số 01-08-2017/NQ-HĐQTFPT vừa được công bố, hội đồng quản trị công ty FPT đã thông qua phương án thoái vốn sở hữu tại FPT Retail (tên quen dùng là FPT Shop).
Hiện tại có nhiều tổ chức đầu tư tài chính đến từ: Nam Phi, Thái Lan, Nhật… và cả Việt Nam quan tâm đến thương vụ này. Tuy nhiên, danh sách cuối cùng các nhà đầu tư được lựa chọn chưa được công bố vì hai bên đang trong quá trình thương thảo.
Trong khi đó, có thông tin cho rằng tập đoàn Synnex, trụ sở tại Mỹ đang hoàn tất việc mua lại cổ phần FPT Trading. Nhà phân phối này đang trong giai đoạn chuyển giao, tái thiết sau thương vụ. Theo CTCP Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSC), thương vụ bán FPT Trading khó có thể hoàn tất vào cuối năm nay và việc bán FPT Retail sẽ diễn ra trước.
Ngoài ra, HĐQT quyết định phê duyệt tăng vốn điều lệ cho Công ty TNHH Phần mềm FPT từ 1.000 tỷ đồng lên 1.300 tỷ đồng. Đồng thời, FPT sẽ trả cổ tức 10% bằng tiền đợt 1 năm 2017 cho cổ đông. Ngày chốt danh sách 18/8, ngày chi trả 31/8.
Năm 2017, FPT Retail tiếp tục đặt kế hoạch tăng trưởng ấn tượng với doanh thu 27,5% và tăng trưởng lợi nhuận trên 40%. Trong đó, FPT Retail tập trung đẩy mạnh mảng thương mại điện tử và tiếp cận khách hàng theo mô hình kinh doanh mới.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, doanh thu từ lĩnh vực Bán lẻ của FPT đạt 6.193 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ và LNTT đạt 141 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ. Hiện FPT Retail đang vận hành 453 cửa hàng tính tới cuối tháng 7/2017.
Trong năm 2018, FPT Retail sẽ trình đại hội cổ đông phương án niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE). Tính đến hết ngày 31/12/2016, FPT Retail có vốn điều lệ là 200 tỷ đồng.