Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gần 400.000 tài khoản “bốc hơi” khỏi thị trường chứng khoán : Tưởng lo mà lại hóa mừng

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Con số gần 400.000 tài khoản chứng khoán xóa sổ khỏi thị trường trong tháng 10/2023 khiến nhiều người giật mình.

Tuy nhiên, trái với lo ngại thông tin này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường, nhưng thực tế, động thái này lại được giới chuyên gia và nhà đầu tư đánh giá cao, bởi đây là giải pháp làm sạch dữ liệu, minh bạch thị trường.

Xóa tài khoản rác, thanh lọc thị trường

Nhà đầu tư giao dịch tại sàn chứng khoán ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Nhà đầu tư giao dịch tại sàn chứng khoán ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Theo số liệu cập nhật từ Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSD) ngày 7/11, tính đến hết tháng 10/2023, tổng tài khoản chứng khoán do nhà đầu tư cá nhân trong nước nắm giữ sụt xuống còn 7,38 triệu tài khoản. Như vậy, có nghĩa đã có 378.100 tài khoản bị xóa sổ khỏi thị trường so với tháng trước đó, nhiều hơn cả tổng tài khoản mở mới hai tháng trước.

Sự kiện này đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Tại một số diễn đàn về đầu tư chứng khoán, các nhà đầu tư đang bàn luận rôm rả về sự việc này. Bởi trong hơn hai thập kỷ thị trường chứng khoán Việt Nam vận hành và phát triển, chưa bao giờ có sự kiện đóng một số lượng lớn tài khoản chứng khoán trong thời gian ngắn như vừa xảy ra. Có nhiều ý kiến lo ngại, việc hàng trăm nghìn tài khoản rút khỏi thị trường sẽ ảnh hưởng xấu đến thị trường, giảm vốn hóa, thanh khoản, mất thiện cảm với nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Đặt trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang lao dốc mạnh (tiếp nối 3 tuần giảm cuối tháng 9); VN-Index mất gần 11% và đóng cửa tại mức 1.028 điểm, nhiều người cho rằng, đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến nhà đầu tư chán nản rút lui khỏi thị trường.

Việc số lượng tài khoản chứng khoán nhà đầu tư cá nhân giảm mạnh còn có thể đến từ hoạt động làm sạch dữ liệu chứng khoán. Trước đó, trong tháng 10/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ủy ban chứng khoán Nhà nước phải kết nối cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư để làm sạch dữ liệu người tham gia giao dịch chứng khoán (đối chiếu thông tin để bảo đảm trùng khớp, loại bỏ dữ liệu sai, trùng lặp hoặc thông tin ảo). Nhiệm vụ này phải được hoàn thành trong tháng 11/2023.

Nhìn nhận nguyên nhân khiến số lượng lớn tài khoản bốc hơi khỏi thị trường, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam Đỗ Bảo Ngọc cho rằng, bản chất là do chính các công ty chứng khoán tự làm sạch dữ liệu của họ, loại bỏ bớt những tài khoản rác không có giao dịch, chứ không phải do khách hàng đi đóng tài khoản. Bởi, nhà đầu tư nếu không giao dịch có thể rút tiền khỏi tài khoản, chứ họ không nhất thiết phải đóng tài khoản. Ngoài ra, cũng không có quy định xử phạt với tài khoản không giao dịch.

Chia sẻ về thông tin này, đại diện Công ty CP Chứng khoán MB (MBS) cho biết, đơn vị đang chủ động thực hiện và sẽ tiếp tục rà soát, đóng các tài khoản đã mở nhưng không phát sinh giao dịch trong thời gian dài nhằm mục đích làm sạch dữ liệu theo đúng định hướng của Chính phủ cũng như của ngành. Việc này vừa là đáp ứng nhu cầu chính đáng của không ít khách hàng; đồng thời giúp hệ thống MBS chạy nhanh hơn, ổn định hơn và phục vụ tốt hơn nhu cầu của khách hàng, nhà đầu tư.

Minh bạch thị trường

Vài năm trở lại đây, hàng loạt vụ việc thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán bằng cách sử dụng nhiều tài khoản để giao dịch đẩy giá cổ phiếu tăng mạnh đã gây ra hậu quả nghiêm trọng. Các vụ án khởi tố hình sự như Trịnh Văn Quyết và đồng phạm tại nhóm cổ phiếu “họ” FLC, Đỗ Thành Nhân và Chứng khoán Trí Việt tại nhóm cổ phiếu “họ” Louis, Nguyễn Đỗ Lăng và đồng phạm tại nhóm cổ phiếu “họ” Apec, cùng nhiều cá nhân bị xử phạt hành chính hàng tỷ đồng và đình chỉ giao dịch nhiều tháng, đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường và tâm lý nhà đầu tư. Việc rà soát, xác thực, làm sạch dữ liệu thông tin về người tham gia giao dịch chứng khoán, trong đó có thông tin người thân tham gia giao dịch chứng khoán được các thành viên thị trường đặt nhiều kỳ vọng.

Theo ông Đỗ Bảo Ngọc, nếu với những người “ngoại đạo” xem thông tin “bốc hơi” gần 400.000 tài khoản chứng khoán như một tin xấu, nhưng thực tế, việc thanh lọc tài khoản chứng khoán “rác” lại là một thông tin tốt cho thị trường. Đối với những tài khoản không giao dịch thì việc tồn tại hay rút lui cũng sẽ không tác động gì đến thị trường nói chung.

Thời gian qua, các công ty chứng khoán liên tục chạy đua về số lượng mở mới tài khoản, tài khoản mở ồ ạt trong một vài năm, dẫn đến thị trường có nhiều tài khoản rác. Với gần 8 triệu tài khoản trên thị trường, nhưng thực tế số tài khoản có giao dịch thường xuyên chỉ hơn 1 nửa trong số đó.

“Việc thanh lọc tài khoản chứng khoán giúp thống kê số lượng tài khoản có giao dịch thật thực chất hơn. Thông qua đó, các cơ quan quản lý có số liệu cụ thể, xác thực để có các chính sách phát triển, hỗ trợ thị trường đúng mức. Còn đối với các cơ quan giám sát thị trường, việc làm sạch dữ liệu cũng giúp cho họ có bức tranh tổng thể về thị trường chứng khoán. Đồng thời có thể nhìn ra những nhóm, cá nhân có quá nhiều tài khoản với giao dịch không minh bạch, thao túng, cần đưa vào diện chú ý theo dõi” – ông Đỗ Bảo Ngọc phân tích.

Cũng đánh giá cao việc thanh lọc bớt tài khoản chứng khoán rác trên thị trường, Giám đốc Khối nghiên cứu và Phát triển sản phẩm khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam Nguyễn Thế Minh cho rằng, việc tồn tại nhiều tài khoản rác gây ra nhiều hệ lụy. Đầu tiên là tốn chi phí vận hành. Để duy trì 1 tài khoản cần nhiều chi phí và nhân lực vận hành của cá nhân nhà đầu tư, công ty chứng khoán và VSD.

Nhưng nguy hiểm nhất là phản ánh không đúng bản chất thị trường. Bởi vì hiện nay đánh giá của thị trường hay nhìn vào số lượng tài khoản mở mới tăng lên và cho rằng đây là kỳ vọng vào thị trường chứng khoán đang tốt, nhưng thực tế không phải vậy. Do đó, việc tồn tại nhiều tài khoản rác sẽ làm sai lệch thông tin đối với diễn biến thị trường chứng khoán, độ minh bạch thông tin không cao.

Theo ông Nguyễn Thế Minh, thời gian qua, thị trường đã có những bước phát triển ấn tượng về quy mô, nhưng song song với đó, chất lượng lại có nhiều phần chưa tương xứng. Trước tiên, cần làm rõ, chất lượng thị trường về cơ bản sẽ có 3 yếu tố cần ưu tiên nâng cấp, đó là nhà đầu tư, hàng hóa, hệ thống. Đây cũng là những yếu tố quan trọng góp phần giúp thị trường chứng khoán Việt Nam hướng tới mục tiêu nâng hạng từ cận biên lên mới nổi.

Nhiều chuyên gia kinh tế đồng thuận cho rằng, việc làm sạch và quản lý tài khoản của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán cho đến giám sát trên thị trường là việc các nước trên thế giới đang làm rất chặt chẽ. Đối với các thị trường như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản để có thể xác định khả năng thao túng thị trường, ngoài việc quản lý và giám sát thị trường thông qua mô hình nhiều cấp, Ủy ban chứng khoán sẽ thực hiện các biện pháp như yêu cầu cung cấp tài liệu về quyền sở hữu và kiểm soát DN.

Điều này giúp các cơ quan quản lý xác định được người có khả năng thực hiện thao túng thị trường hoặc ai có thể thu được lợi nhuận đáng kể từ việc thao túng. Vì vậy, việc làm thanh lọc thị trường chứng khoán là một việc cần làm sớm, để nâng chất thị trường trong dài hạn.

 

Trong hành trình hướng tới mục tiêu nâng hạng này, điều cần quan tâm là không cần đi đếm số lượng tài khoản mở mới, mà cần quan tâm số lượng hoạt động thực tế trên thị trường. Nên suy nghĩ lại thước đo giá trị thị trường, đầu tiên là số lượng tài khoản giao dịch và giá trị trong một tài khoản. Với giá trị thống kê đó sẽ phản ánh được bản chất thực của thị trường.
Giám đốc Khối nghiên cứu và Phát triển sản phẩm khách hàng
cá nhân Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam Nguyễn Thế Minh

Thời gian qua có những nhà đầu tư mở tài khoản ở ngân hàng, sau đó liên kết với công ty chứng khoán. Tuy nhiên, sau đó công ty chứng khoán ghi nhận có nhiều tài khoản trong số này không hoạt động nên chủ động đóng lại.
Chủ tịch HĐQT Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) Nguyễn Sơn