Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gần 54% trường mầm non trên toàn quốc thực hiện chương trình mới

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo bà Phan Lan Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD-ĐT), sau một năm thực hiện chương trình mới, các giáo viên đều nhận thấy chương trình rất linh hoạt, mềm dẻo.

KTĐT - Theo bà Phan Lan Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD-ĐT), sau một năm thực hiện chương trình mới, các giáo viên đều nhận thấy chương trình rất linh hoạt, mềm dẻo, tạo điều kiện cho họ thực hiện một cách sáng tạo, lựa chọn các nội dung và hoạt động giáo dục phù hợp với khả năng, sở thích, hứng thú của chính trẻ trong lớp và điều kiện thực tế của lớp, trường.

Tại hội nghị sơ kết một năm thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới tổ chức tại Hà Nội hôm qua, Bộ GD-ĐT cho biết, năm học 2009-2010, mới có gần 54% trường mầm non trên toàn quốc thực hiện chương trình mới (6.851/12.712 trường). Thậm chí, nhiều tỉnh do khó khăn về cơ sở vật chất nên tỉ lệ các cơ sở giáo dục mầm non thực hiện chỉ đạt dưới 10% như Phú Yên, Hậu Giang, Cà Mau…

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, chương trình giáo dục mầm non mới chỉ triển khai ở những trường đã có đủ điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Các Sở GD-ĐT xây dựng kế hoạch và lộ trình thực hiện để trong vòng ba năm chương trình được thực hiện đại trà ở tất cả các cơ sở giáo dục mầm non.

Theo bà Phan Lan Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD-ĐT), sau một năm thực hiện chương trình mới, các giáo viên đều nhận thấy chương trình rất linh hoạt, mềm dẻo, tạo điều kiện cho họ thực hiện một cách sáng tạo, lựa chọn các nội dung và hoạt động giáo dục phù hợp với khả năng, sở thích, hứng thú của chính trẻ trong lớp và điều kiện thực tế của lớp, trường. Hầu hết các tỉnh đã ưu tiên đầu tư kinh phí xây dựng, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi cho các trường, lớp thực hiện chương trình mới. 

Để thực hiện chương trình cả nước đã xây mới, sửa chữa 12.771 phòng học để trẻ học bán trú hoặc hai buổi một ngày; mua sắm 487.162 bộ thiết bị. Tuy nhiên, nhiều tỉnh khó khăn như Kiên Giang, Sóc Trăng, Quảng Ngãi, Nghệ An, đến năm học 2011-2012 này vẫn khó có thể thực hiện được chương trình ở 100% các cơ sở giáo dục mầm non trong tỉnh. Vẫn theo bà Lan Anh, hạn chế lớn nhất khi triển khai chương trình mới là nhiều địa bàn vùng sâu vùng xa không đủ phòng học cho trẻ học hai buổi một ngày, thiếu đồ dùng, thiết bị. Trở ngại nữa là kỹ năng thực hành chuyên môn nghiệp vụ còn hạn chế ở một số giáo viên, đặc biệt là giáo viên mới vào nghề; khả năng tiếp cận vấn đề mới của một số giáo viên lớn tuổi còn hạn chế…