Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gần 60% trẻ khuyết tật chưa được đi học

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quy mô giáo dục trẻ khuyết tật (TKT) ngày càng được mở rộng các điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo cho TKT học tập ngày càng được tăng cường. Tuy nhiên, công tác giáo dục TKT vẫn còn nhiều thách thức.

Đây là phât biểu của ông Nguyễn Đức Hữu - Phó trưởng ban Chỉ đạo Giáo dục trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của Bộ GD&ĐT đã cho biết tại Hội thảo quốc tế “Giáo dục trẻ khuyết tật học tập và trẻ khuyết tật trí tuệ” do ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Wakayama (Nhật Bản) đồng tổ chức hôm nay 26/9.

Báo cáo từ các sở GD&ĐT, năm học 2005 - 2006 mới chỉ có khoảng 300.000 TKT (chiếm 26% trên tổng số) thì đến năm học 2012 - 2013 đã có khoảng hơn 500.000 em (hơn 40%) được học tập trong các loại hình trường lớp, chủ yếu là trường lớp hòa nhập.

Đến nay, các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên về giáo dục TKT được xây dựng và bước đầu tạo ra nguồn lực hiệu quả cho giáo dục TKT. Hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập TKT ở cấp tỉnh được phát triển trên cơ sở các cơ sở giáo dục chuyên biệt và xây dựng mới với các chức năng cơ bản là tư vấn, hỗ trợ cho giáo viên, phụ huynh và TKT… Đến nay, cả nước có khoảng gần 20 trung tâm được hình thành và phát triển.

 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Cùng với đó, hệ thống văn bản pháp quy về người khuyết tật nói chung trong đó có TKT được ban hành và ngày càng hoàn thiện. Với sự ra đời của Công ước quốc tế về Người khuyết tật năm 2006, Việt Nam đang có những nỗ lực quan trọng để phê chuẩn công ước này vào cuối năm nay. Công tác xã hội hóa giáo dục TKT cũng có những kết quả khích lệ. Nhiều TKT được hỗ trợ về tài chính, quần áo, sách vở, phương tiện, đồ dùng học tập và sinh hoạt.

Bên cạnh những kết quả, công tác phát triển giáo dục TKT đang đặt ra nhiều thách thức. Hầu hết các thành viên gia đình, cộng đồng, nhà trường chưa thực sự tin tưởng vào khả năng, thiếu kỳ vọng vào sự phát triển của TKT. Các dịch vụ phát hiện sớm, can thiệp sớm ở hầu hết các địa phương chưa phát triển. Các dịch vụ tư vấn tâm lý giáo dục, chăm sóc sức khỏe TKT ở mức tự phát hoặc ít duy trì thường xuyên.  Giáo dục hòa nhập mới chỉ chú trọng đến huy động số lượng TKT đến trường mà chưa thực sự quan tâm đến chất lượng. Các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập TKT ít về số lượng, yếu về chất lượng đội ngũ.

Nhằm đạt mục tiêu 70% TKT được đi học vào năm 2020, Bộ GD&ĐT đề ra 6 định hướng phát triển.  Cụ thể là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giáo dục TKT, trong đó đặc biệt biểu dương gương người tốt việc tốt về chăm sóc và giáo dục TKT. Phát triển hệ thống dịch vụ, hình thành các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập TKT. Phát triển nguồn nhân lực đảm bảo số lượng, cơ cấu và chất lượng cho giáo dục TKT. Tăng cường ngân sách, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho giáo dục TKT…