Báo cáo “Đánh giá tác động của dịch Covid-19 và hiệu quả của các chính sách ứng phó đối với các DN” của nhóm nghiên cứu trường Đại học Kinh tế quốc dân (NEU) tiến hành từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 10/2020 đối với 450 DN thuộc 6 nhóm ngành: Du lịch lưu trú nhà hàng; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; logistics; dệt may; công nghệ thông tin tại TP Hà Nội, Thanh Hóa, TP Hồ Chí Minh. Kết quả cho thấy, có 61% DN đang gắng duy trì bình thường; 30% DN cắt giảm quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh và gần 10% DN đã phải tạm dừng hoạt động. Dịch Covid-19 khiến số DN có mức doanh thu tăng đạt tỷ lệ rất thấp, có tới hơn 3/4 số DN có mức doanh thu giảm. Trong số này, có đến 5/6 ngành có số DN phải cắt giảm quy mô lao động và nặng nề nhất là ngành du lịch, lưu trú, nhà hàng.
Theo Tổng cục Thống kê, đến tháng 9/2020, cả nước có 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19; bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Riêng tại Hà Nội, kết quả kinh doanh một số ngành kinh tế như công nghiệp dệt giảm 3,3%, sản xuất phương tiện vận tải giảm 12,2%. Một số ngành chịu tác động khá lớn như du lịch lữ hành giảm đến 42,2% doanh thu so với cùng kỳ năm trước.
Phân tích tình hình kinh tế, các chuyên gia cho hay: Dòng vốn FDI vào Việt Nam đang tăng trở lại. Các yếu tố thuận lợi như tâm lý lạc quan và nhu cầu mua sắm dịp cuối năm tăng lên, dự kiến thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế quý IV, do chính sách kích cầu trong nước và khả năng nối lại du lịch với một số quốc gia; Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công hỗ trợ phát triển kinh tế… Tuy nhiên, những khó khăn như căng thẳng thương mại, diễn biến phức tạp dịch bệnh, đặc biệt là thiên tai sẽ ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế. Do đó, cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng.
Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp có sức phát triển “Theo tính toán sơ bộ, nếu chỉ cần giảm 1% thuế VAT có thể gây hụt thu ngân sách đến hơn 30.000 tỷ đồng, do đó, các giải pháp về tài khoá như giảm thuế cần thận trọng” - chuyên gia Cấn Văn Lực nói. Đối với việc đánh giá tác động của chính sách, Phó Chủ tịch Hồi đồng Lý luận T.Ư, PGS. TS Nguyễn Văn Thạo cho rằng: Cần tập trung vào tác động của chính sách đến từng lĩnh vực. Từ đó có thể rút ra những hạn chế của gói cứu trợ lần thứ nhất và đưa ra những giải pháp hiệu quả hơn.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chỉ ra thông tin đáng chú ý là có không ít DN nhỏ lại có sức chống chịu khá tốt. Các DN này khá linh hoạt khi chuyển sang các hình thức kinh doanh trực tuyến, thậm chí có doanh số tăng lên. Đây là dấu hiệu tích cực, bởi họ đã làm được việc cần thiết để tự cứu mình. “Hầu hết các DN chống chịu mạnh mẽ đã có sự chuẩn bị tốt hơn từ giai đoạn trước đó, thích ứng nhanh với những biến động thị trường do căng thẳng thương mại Mỹ -Trung. Họ đã thay đổi định hướng đầu tư, phát triển thị trường, đây là những bài học cần nghiên cứu cụ thể hơn để học hỏi…” - chuyên gia Phạm Chi Lan nói.
Vị chuyên gia cho rằng, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cao, nhưng chưa cân bằng. Kim ngạch thương mại với một số thị trường có tỷ trọng khá lớn như: Trung Quốc (nhập siêu) và Mỹ (xuất siêu). Về lâu dài đây có thể là những rủi ro, vì vậy, nhân cơ hội này cần tái cấu trúc thương mại quốc tế, mở rộng các thị trường mới, để tránh bị lệ thuộc vào một vài thị trường như trước đây. Bà Phạm Chi Lan đồng tình với quan điểm của Chính phủ là việc hỗ trợ không dàn trải mà cần có sự chọn lọc, hướng tới các DN có khả năng phát triển trong tương lai. “Đây cũng là dịp cần nhanh chóng đánh giá được các xu hướng phát triển mới, hướng sự hỗ trợ tới những ngành nghề, có công nghệ, tiềm năng phát triển trong tương lai” - bà Phạm Chi Lan nói.