Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá cà phê hôm nay 10/7: Robusta tiếp tục tăng cao do lo ngại nguồn cung thiếu hụt và gián đoạn trên toàn cầu

Văn Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá cà phê hôm nay 10/7 trong khoảng 35.300 - 36.200 đồng/kg. Sau 2 ngày tăng liên tiếp, giá cà phê Arabica đã chững lại và giảm nhẹ. Trong khi đó Robusta tiếp tục diễn ra tình trạng "vắt giá".

Giá cà phê hôm nay 10/7: Robusta tiếp tục tăng cao do lo ngại nguồn cung thiếu hụt và gián đoạn trên toàn cầu
Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 35.300 đồng/kg.

Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 36.200 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 36.100 đồng/kg.

Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 36.100 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 36.000 đồng/kg ở Đắk R'lấp.

Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 36.100 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 36.200 đồng/kg. Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 36.100 đồng/kg. Sáng nay, giá cà phê tại các vùng trồng trọng điểm tăng 200 - 300 đồng so với cùng thời điểm sáng hôm qua.

Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 9/2021 tăng 37 USD/tấn ở mức 1.744 USD/tấn, giao tháng 11/2021 tăng 26 USD/tấn ở mức 1.722 USD/tấn. Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 9/2021 giảm 0,75 cent/lb ở mức 151.5 cent/lb, giao tháng 12/2021 giảm 0,8 cent/lb ở mức 154.35 cent/lb.

Sau 2 ngày tăng liên tiếp, giá cà phê Arabica đã chững lại và giảm nhẹ. Trong khi đó Robusta tiếp tục diễn ra tình trạng "vắt giá", khi giá giao tháng gần cao hơn giá giao tháng xa. Điều này thể hiện mối lo của thị trường về nguồn cung thiếu hụt, nhất là trong ngắn hạn. Phiên vừa qua cũng là thời điểm 2 sàn công bố vị thế kinh doanh của các quỹ đầu cơ lớn. Tính đến đầu tuần này, 2 sàn vẫn ở vị thế dư mua.

Hiện nay các thị trường tài chính, hàng hóa trên thế giới đang chờ đợi thông tin từ phiên họp chính sách của Fed trong tháng Bảy, với kỳ vọng sẽ duy trì các chính sách kích thích kinh tế qua năm 2023. Do vậy các thị trường sẽ có biến động liên tục.

Theo ước tính từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu cà phê của Việt Nam tháng 6/2021 đạt 110 nghìn tấn, trị giá 219 triệu USD, giảm 15,6% về lượng và giảm 10,1% về trị giá so với tháng 5/2021, so với tháng 6/2020 giảm 13,8% về lượng, nhưng tăng 0,6% về trị giá. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cà phê ước đạt 825 nghìn tấn, trị giá 1,52 tỷ USD, giảm 12,3% về lượng và giảm 4,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Tháng 6/2021, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt 1.991 USD/tấn, tăng 6,5% so với tháng 5/2021 và tăng 16,8% so với tháng 6/2020. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt 1.839 USD/tấn, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu cà phê suy giảm là do thiếu container rỗng, cũng như cước vận chuyển quá cao. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến cà phê Việt Nam mà trên cả phạm vi toàn cầu.

Hiện có khoảng 40 hãng tàu nước ngoài hoạt động vận tải hàng hoá xuất nhập khẩu, chiếm tới 95% thị phần vận tải hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam. Riêng tuyến vận tải đi châu Mỹ, châu Âu do 10 hãng tàu ngoại thực hiện tại khu vực cảng Lạch Huyện, cảng Cái Mép-Thị Vải.

Giá cước trước thời điểm tháng 10/2010 từ Việt Nam đi châu Âu khoảng 1.420 USD/container 20 feet, từ Việt Nam đi Mỹ (cảng Los Angeles) là 700-1.000 USD/container 20 feet. Tới tháng 12/2020, giá cước đã tăng lần lượt lên 5.400 USD/container 20 feet và 5000 USD/container 20 feet. Tới tháng 3-4/2021, giá cước đã tăng lần lượt lên tới 6.500 - 8.000 USD/container 40 feet, khoảng 6.000 - 7.000 USD/container 20 feet, tăng gấp 5-7 lần so với cuối năm 2020. Hiện giá cước vẫn chưa có dấu hiệu ngừng tăng.

Nguyên nhân tăng giá cước là thị trường Trung Quốc phục hồi sau dịch bệnh nên một lượng lớn container rỗng hút về Trung Quốc làm cầu vượt xa cung, đẩy giá vận chuyển container tăng phi mã, tác động cả khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam.