Giá cà phê hôm nay 29/12: Gần 3 tỷ USD xuất khẩu và 2 nhiệm vụ chính của ngành cà phê Việt từ năm 2022

Văn Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá cà phê hôm nay 29/12 trong khoảng 40.600 - 41.400 đồng/kg. Arabica tiếp tục giảm khi Robusta trên sàn London quay đầu ngay đầu phiên mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ Lễ Giáng sinh.

Giá cà phê hôm nay 29/12: Gần 3 tỷ USD xuất khẩu và 2 nhiệm vụ chính của ngành cà phê Việt từ năm 2022
Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 40.600 đồng/kg.

Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 41.400 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 41.300 đồng/kg.

Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 41.300 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 41.200 đồng/kg ở Đắk R'lấp.

Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 41.300 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 41.200 đồng/kg. Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 41.200 đồng/kg. Sáng nay, giá cà phê tại các vùng trồng trọng điểm giảm 200 đồng/kg so với cùng thời điểm sáng hôm qua.

Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 1/2022 giảm 2 USD/tấn ở mức 2.460 USD/tấn, giao tháng 3/2022 giảm 10 USD/tấn ở mức 2.343 USD/tấn. Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 3/2022 giảm 1,45 cent/lb, ở mức 225,6 cent/lb, giao tháng 5/2022 giảm 1,45 cent/lb, ở mức 225,65 cent/lb.

Trong khi giá cà phê Arabica vẫn tiếp tục giảm thì giá Robusta trên sàn London quay lại điều chỉnh giảm ngay đầu phiên mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ Lễ Giáng sinh. Hiện các quỹ đầu cơ trên sàn vẫn đang ở vị thế dư mua. Đây là điều đã được dự báo trước, khi đây là ngày thông báo giao hàng đầu tiên của tháng 1/2022 lại trùng ngay ngày khóa sổ vị thế kinh doanh trên sàn London.

Hôm qua 28/12, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA) tổ chức Đại hội tổng kết công tác nhiệm kỳ IX (2017-2020) và bàn phương hướng nhiệm kỳ X (2021-2024). Theo đánh giá, giá cà phê giảm liên tục từ năm 2016 đến cuối năm 2020 đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp xuất khẩu cà phê và thu nhập của người nông dân. Nhiều doanh nghiệp do giá giảm sâu dẫn đến doanh thu giảm, thua lỗ, người nông dân do giá xuống đã giảm sự đầu tư chăm sóc vườn cây. Thời điểm này, giá cà phê xuất khẩu có thời điểm xuống thấp nhất với dưới 1.200 USD/tấn, khiến cà phê nhân xô ở các vùng nguyên liệu có thời điểm xuống dưới 30.000 đồng/kg.

Sang đến năm 2021, giá cà phê mới bắt đầu phục hồi trở lại và tăng mạnh vào những tháng cuối năm nay. Nguyên nhân do thiếu hụt nguồn cung từ Brazil, Việt Nam, Colombia. Tồn kho trên hai sàn New York và London liên tục giảm mạnh; thiếu container, giá cước vận tải tăng chóng mặt…

Do tác động của dịch Covid-19 lần thứ 4 nên Việt Nam đã phải áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên phạm vi cả nước khiến xuất khẩu cà phê Việt Nam giảm lớn về khối lượng. Trong khi đó, kim ngạch tăng so với năm trước do giá xuất khẩu tăng và tăng cường xuất khẩu cà phê rang xay và hoà tan, cộng với việc Việt Nam đã ký và triển khai thực hiện các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là CPTPP, EVFTA, UKVFTA.

Thời điểm này, giá cà phê thế giới đã tăng lên mức cao nhất trong vòng nhiều năm qua, giá cà phê trong nước có thời điểm lên mức cao nhất là 43.000 đồng/kg. Cả vụ 2020/2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,5 triệu tấn với kim ngạch hơn 2,8 tỷ USD. Đặc biệt, cà phê rang xay và hoà tan xuất khẩu đã chiếm 9,1% thị phần. EU là thị trường tiêu thụ cà phê nhiều nhất, chiếm 40% tổng lượng và 38% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tiếp theo là Đông Nam Á với 13%. Tại thị trường Trung Quốc, cà phê Việt Nam đã chiếm hơn 30% tổng lượng nhập khẩu. Các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc bao gồm cả cà phê nhân, rang xay, hoà tan, uống liền…

Tại đại hội, VICOFA cho biết, trong những năm tới, ngành cà phê Việt Nam phấn đấu thực hiện 2 nhiệm vụ chính. Thứ nhất là giữ vững vị trí nước xuất khẩu cà phê nhân lớn thứ hai thế giới. Nhiệm vụ thứ hai là tăng kim ngạch xuất khẩu lên 5-6 tỷ USD vào năm 2030 với phương châm ''Năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng''.