Giá cà phê hôm nay 4/10: Robusta tăng trở lại, kịch bản nào đến cuối năm?

Văn Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá cà phê hôm nay 4/10 trong khoảng 46.500 - 46.900 đồng/kg. Thị trường cà phê thế giới diễn biến trái chiều khi Robusta hồi phục nhẹ. Trong khi đó đồng USD ở mức cao kỷ lục 20 năm qua tiếp tục gây áp lực lên sàn New York.

Giá cà phê hôm nay 4/10: Robusta tăng trở lại, kịch bản nào đến cuối năm?
Giá cà phê hôm nay 4/10: Robusta tăng trở lại, kịch bản nào đến cuối năm?

Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 46.500 đồng/kg.

Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 46.900 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 46.800 đồng/kg.

Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 46.800 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 46.700 đồng/kg ở Đắk R'lấp.

Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 46.800 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 46.700 đồng/kg.

Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 46.800 đồng/kg. Thị trường cà phê trong nước hôm nay tăng 400 đồng/kg so với cùng thời điểm sáng hôm qua.

Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 11/2022 tăng 20 USD/tấn ở mức 2.173 USD/tấn, giao tháng 1/2023 tăng 17 USD/tấn ở mức 2.163 USD/tấn. Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 12/2022 giảm 5,8 cent/lb, ở mức 215,75 cent/lb, giao tháng 3/2023 giảm 5,2 cent/lb, ở mức 207,35 cent/lb.

Sau đợt giảm liên tiếp, giá cà phê Robusta đã hồi phục nhẹ phiên vừa qua. Trong trung hạn, mặt hàng cà phê này được nhận định vẫn còn chịu áp lực giảm giá kéo dài. Nguyên nhân do tình hình kinh tế ảm đạm tại EU tác động không nhỏ tới dòng tiền đầu cơ và nhu cầu tiêu thụ cà phê sàn London. Trong khi đó đồng USD ở mức cao kỷ lục 20 năm qua tiếp tục gây áp lực lên sàn New York.

Chuyên gia Nguyễn Quang Bình phân tích, đồng USD mạnh khiến giá trị đồng tiền các nước giảm, nhất là những nước tiêu thụ, nên cản trở nhập khẩu. Mặt khác, lạm phát cao cũng làm người tiêu thụ phải đắn đo khi tiêu dùng tại nhà hàng, quán cà phê. Lãi suất điều hành tại các nước nhập khẩu tăng cao hạn chế nhà kinh doanh gom trữ hàng để bán đường dài.

Đối với nước xuất khẩu, đồng tiền mất giá sẽ tạo thêm sức ép bán mạnh vì thu nhập tính theo đồng nội tệ lớn hơn. Nếu kết hợp với yếu tố thặng dư cà phê, thì áp lực bán từ cả 2 phía từ tác động của đồng nội tệ bị mất giá so với USD và bản thân nguồn cung dồi dào. Trường hợp lạm phát tại các nước tiêu thụ và lãi suất điều hành tăng càng gây căng thẳng thêm cho dòng chảy đưa hàng ra thị trường nước ngoài. Chính vì thế, hàng hóa có khi phải đi lòng vòng trong nước. Hệ quả sẽ là giá cà phê nội địa đôi lúc cao hơn giá mua có thể được nhà nhập khẩu chấp nhận. Điều này sẽ gây ách tắc cho kinh doanh, ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu chung.

Chuyên gia này nhận định, hiện thị trường nội địa phần lớn phụ thuộc vào tình hình mất giá của các đồng nội tệ nếu dựa trên cơ sở hiện nay là 47-48 triệu đồng/tấn. Qua năm 2023 có thể khác đi vì Brazil vào chu kỳ năm mất mùa cho niên vụ 2023/24. Dự đoán về giá còn phụ thuộc vào đợt ra hoa của Brazil từ tháng 10/22 trở đi và tình hình mưa lũ do La Nina gây nên tại Việt Nam.

Rất có thể rằng đứng trước áp lực tăng lãi suất điều hành của Mỹ, nguồn tín dụng thắt chặt, các nhà kinh doanh trên sàn phải thanh lý ít nhiều các hợp đồng mua khống. Nếu thế giá phái sinh còn yếu trong 3 tháng đầu niên vụ. Nhưng trong nửa đầu năm 2023, do vụ mùa Brazil nhỏ theo quy luật, họ có thể quay lại mua, đồng lúc chương trình tăng lãi suất của các ngân hàng, thì mới hy vọng giá cà phê phái sinh phần nào tốt hơn.