Nếu gần 1 năm trước, các nhà sản xuất dầu mỏ thế giới lo ngại về tình trạng sản lượng khai thác quá lớn, thì nay, mối lo lại là cầu sẽ vượt cung. “Nguồn cung đang là mối lo số một, khi Mỹ rời bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran. Rủi ro địa chính trị vẫn còn” - Giám đốc nghiên cứu vĩ mô và hàng hóa tại Julius Baer Group Norbert Ruecker nhận xét.
Từ mức 45 - 50 USD/thùng cuối năm 2015 đầu năm 2016 và kéo dài cho đến giữa năm 2017, giá dầu thô quốc tế ngóc đầu đi lên kể từ khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga hợp tác cắt giảm sản lượng khai thác. Bên cạnh đó, các tổ chức nhận định sản lượng dầu đá phiến tại Mỹ tăng vọt không thể bù đắp sự sụt giảm từ Iran. Iran hiện là nước sản xuất lớn thứ ba trong OPEC.
|
Khai thác dầu thô ngoài khơi thềm lục địa phía Nam Việt Nam. Ảnh: Hùng Thập |
Giá dầu đã tăng vượt mức dự báo. Hồi đầu năm, dự báo của Cục năng lượng thế giới, giá dầu sẽ tăng 70 – 80 USD/thùng. Còn tại Việt Nam, Bộ Tài chính xây dựng dự toán thu NSNN năm 2018 với giá dầu khoảng 50 USD/thùng. Bộ KH&ĐT dự báo giá dầu thô bình quân năm 2018 chỉ dao động từ 60 - 65 USD/thùng. Tại cuộc họp công bố số liệu kinh tế quý I, Tổng cục Thống kê đã nâng dự báo, giá dầu sẽ lên mức 80 USD/thùng.
Cho đến nay, các hãng tin tài chính quốc tế bắt đầu đánh tiếng việc giá dầu thô sẽ còn tăng vượt 100 USD/thùng. Còn theo Tổ chức Năng lượng Quốc tế, nhu cầu dầu thô vẫn tiếp tục tăng cho đến năm 2040.
Áp lực tới điều hành lạm phátTính từ mức đáy 16.760 đồng/lít vào ngày 5/7/2017, đến ngày điều chỉnh gần đây nhất (ngày 8/5), giá xăng đã tăng tổng cộng 4.150 đồng/lít. Bình quân tháng 4/2018, giá xăng dầu tăng 2,72% so với tháng trước, đóng góp làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thêm 0,11%.
Giá dầu tăng không chỉ ảnh hưởng đến chỉ số CPI mà còn ảnh hưởng đến tăng trưởng do chi phí của DN tăng lên. Hiện Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu dầu thô và doanh thu từ hoạt động này chiếm khoảng 10 - 20% nguồn thu hàng năm của ngân sách. Nếu giá dầu thô tiếp tục tăng, sẽ góp phần tăng nguồn thu. Tuy vậy, Việt Nam đang chủ yếu nhập khẩu xăng dầu để tiêu thụ trong nước, kéo theo giá xăng dầu trong nước tăng lên. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức mua của người dân, cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN khiến việc điều hành của Chính phủ trở nên khó khăn hơn. Nếu lạm phát gia tăng, cơ quan chức năng cần theo dõi tình hình lạm phát chặt chẽ để có biện pháp thích hợp, buộc NHNN phải giới hạn cung tiền, tăng lãi suất, ảnh hưởng tới động lực tăng trưởng của nền kinh tế…
Theo các hãng tin quốc tế, giá dầu tăng khiến châu Á tốn 1.000 tỷ USD/năm để nhập khẩu xăng dầu. Thiệt hại lớn nhất sẽ rơi vào những quốc gia như Ấn Độ và Việt Nam, những nước không chỉ phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu xăng dầu mà còn không đủ tiềm lực tài chính để hấp thụ sự tăng giá nhiên liệu bất ngờ. |
“Chúng tôi đưa ra 3 kịch bản lạm phát trong năm nay căn cứ vào giá một số mặt hàng có ảnh hưởng chính như giá xăng dầu, lương thực thực phẩm, thịt lợn... và các yếu tố khác. Trong đó, 2 kịch bản lạm phát bình quân dưới 4% hoặc bằng 4% so với mục tiêu Quốc hội đề ra. Kịch bản còn lại là giá hàng hóa tăng mạnh, cuối năm lạm phát vượt mức 4%” - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm chia sẻ về lạm phát khi giá dầu được cơ quan này dự báo ở mốc 80 USD/thùng. Song với xu hướng giá dầu đứng trước khả năng tăng mạnh như hiện nay, theo Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, lạm phát cả năm 2018 sẽ không còn thấp như năm 2017.
Chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về triển vọng kinh tế vĩ mô năm 2018 và giai đoạn 2019 - 2020 mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá, từ nay tới cuối năm, dự báo kinh tế Việt Nam sẽ gặp phải khó khăn về điều hành tỷ giá, lãi suất do lộ trình tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, biến động khó lường của giá dầu thế giới gây áp lực tới điều hành lạm phát và giá cả các mặt hàng do Nhà nước quản lý. Điều này rất cần phải được quan tâm điều phối.