Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá dầu “rung lắc” mạnh do lo ngại phương Tây áp trần giá dầu Nga

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường “vàng đen” thế giới trong tuần này sẽ chịu tác động lớn từ nhiều diễn biến, trong đó có kế hoạch của phương Tây về áp giá trần với dầu mỏ Nga.

Một nhà máy lọc dầu của Công ty dầu mỏ Lukoil của Nga ở Sicily. Ảnh: Reuters
Một nhà máy lọc dầu của Công ty dầu mỏ Lukoil của Nga ở Sicily. Ảnh: Reuters

Giá dầu tiếp tục giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 28/11 do lo ngại cầu giảm từ nhà nhập khẩu hàng đầu Thế giới - Trung Quốc, khi nước này tăng cường các biện pháp chống Covid-19 nghiêm ngặt.

Theo Reuters, giá dầu Brent sụt tới 2,16 USD, tương đương 2,6%, về 81,47 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 11/1/2022. Trong khi giá dầu WTI của Mỹ mất 2,08 USD, tương đương 2,7%, xuống còn 74,20 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 27/12/ 2021.

Cả hai mặt hàng dầu chủ chốt này vừa ghi nhận tuần lao dốc thứ 3 liên tiếp và giảm xuống mức thấp nhất trong 10 tháng khi giá dầu Brent hạ 4,6%, còn dầu WTI giảm 4,7%.

Chuyên gia Hiroyuki Kikukawa - quản lý cấp cao của công ty môi giới chứng khoán Nissan Securities, cho biết :"Trong phiên giao dịch hôm nay, giá dầu chịu sức ép bởi lo ngại nhu cầu nhiên liệu tại Trung Quốc suy giảm, cùng với đợt bán tháo do thị trường bất an về các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới”.

Trong khi đó, các nhà đầu tư vẫn thận trọng trước thỏa thuận về mức giá trần của phương Tây đối với dầu Nga và cuộc họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước đồng minh (OPEC+).

Theo kế hoạch, vào ngày 4/12 tới, nhóm OPEC+ sẽ họp bàn chính sách điều hành sản lượng dầu mỏ. Tuần trước, tờ Wall Street Journal dẫn nguồn thạo tin nói rằng OPEC+ đang xem xét khả năng tăng sản lượng, nhưng sau đó, Ả Rập Saudi - một trong hai thành viên chủ chốt của nhóm (cùng với Nga), đã bác bỏ thông tin này.

Chuyên gia Kikukawa nhận định giá dầu WTI có thể giảm xuống 70-75 USD/thùng, đồng thời thị trường “vàng đen” có thể biến động mạnh tùy thuộc vào kết quả cuộc họp của OPEC+ trong tháng 12 và mức trần giá dầu Nga mà phương Tây áp lên.

Đồng quan điểm, ông Tetsu Emori - Giám đốc điều hành của Emori Fund Management Inc cho biết: “Giá dầu thế giới sẽ tiếp tục lao dốc  trừ khi nhóm OPEC+ tiếp tục giảm mạnh sản lượng hoặc Mỹ dừng xả kho dự trữ chiến lược”.

Ngay sau cuộc họp chính sách của OPEC+, vào ngày 5/12, lệnh cấm nhập khẩu của Liên minh châu Âu (EU) đối với dầu thô Nga vận chuyển bằng đường biển chính thức có hiệu lực. Cùng ngày, nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7), gồm Anh, Đức, Italia, Canada, Mỹ, Pháp và Nhật Bản, cũng chính thức triển khai biện pháp giá trần đối với dầu thô Nga.

“Tất cả những yếu tố này đều có tầm quan trọng rất lớn đối với thị trường dầu, có thể khiến giá dầu biến động mạnh trong thời gian tới”, ông Michael Haigh - trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa của ngân hàng Societe Generale  - nói với tờ Wall Street Journal hôm 27/11.

Chuyên gia Haigh cho rằng Nga sẽ gặp nhiều khó khăn để chuyển hướng tất cả số lượng dầu mà EU từ chối mua, do đó sản lượng dầu Nga có thể giảm 1,5 triệu thùng/ngày trong năm 2023. Điều này có thể góp phần đẩy giá dầu thế giới tăng mạnh trong năm tới nếu nhu cầu của Trung Quốc tăng trở lại.

Tuy nhiên, hiện các nước thàn viên EU vẫn bất đồng về mức giá trần dự kiến áp đặt với dầu mỏ Nga. Nguồn tin từ các quan chức ngoại giao EU cho biết Ba Lan muốn áp một mức trần thấp để trừng phạt nền kinh tế Nga, trong khi các nước Hy Lạp, Malta và một số thành viên EU khác có đội tàu vận tải biển lớn lại muốn đưa ra trần giá cao, khoảng 70 USD/thùng.

Nếu trần giá được thiết lập ở mức thấp, nhiều khả năng Nga sẽ trả đũa bằng cách cắt giảm sản lượng khai thác dầu. Biện pháp này thậm chí có thể làm tăng doanh thu của Nga từ xuất khẩu dầu vì khiến cho giá dầu thế giới tăng lên. Còn nếu trần giá ở mức cao, sẽ không có tác dụng làm giảm doanh thu từ dầu.

Giới phân tích cho rằng trần giá 65-70 USD/thùng mà EU đang thảo luận sẽ không phát huy hiệu quả vì nó còn cao hơn cả mức giá hiện tại của dầu thô Urals Nga. Ông Mikhail Krutikhin, đối tác của công ty tư vấn RusEnergy, cho biết, trần giá ở mức 65 USD/thùng sẽ không ảnh hưởng gì đến ngân sách của Nga.