Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá dầu thế giới đứng im đầu phiên giao dịch ngày 13/11

Nguyên Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Do các nhà đầu tư tiếp nhận thông tin OPEC cắt giảm dự báo về tăng trưởng nhu cầu, đồng USD mạnh... giá xăng dầu thế giới đứng im đầu phiên giao dịch ngày 13/11.

Trên sàn New York Mercantile Exchange, sáng 13/11 (giờ Việt Nam), cả dầu Brent và WTI đều “neo” ở mức giá đạt được trong phiên giao dịch trước.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Các chuyên gia cho biết, giá dầu gần như đi ngang khi kết thúc phiên giao dịch ngày 12/11. Giá dầu duy trì mức thấp nhất trong 2 tuần sau khi giảm khoảng 5% trong 2 phiên trước đó, do các nhà đầu tư tiếp nhận thông tin OPEC cắt giảm dự báo về tăng trưởng nhu cầu, đồng USD mạnh và sự thất vọng về kế hoạch kích thích mới nhất của Trung Quốc.

Giá dầu Brent tăng 6 cent, tương đương 0,83%, lên mức 71,89 USD/thùng. Còn WTI tăng 8 cent, tương đương 0,12%, lên mức 68,12 USD/thùng.

Theo Reuters, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã cắt giảm dự báo về tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm 2024 và cũng hạ dự báo cho năm tới, đánh dấu lần điều chỉnh giảm thứ 4 liên tiếp của nhóm sản xuất này.

OPEC cho biết, nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng 1,82 triệu thùng/ngày trong năm nay, giảm so với dự báo tăng trưởng 1,93 triệu thùng/ngày vào tháng trước. Tổ chức này cũng cắt giảm ước tính tăng trưởng nhu cầu toàn cầu năm 2025 từ 1,64 triệu thùng/ngày xuống 1,54 triệu thùng/ngày.

Đầu tháng, OPEC và các đồng minh (OPEC+) đã quyết định hoãn kế hoạch tăng sản lượng vào tháng 12 trong bối cảnh giá giảm.

Nhà phân tích dầu mỏ độc lập tại London Gaurav Sharma nhận xét, nhu cầu của Trung Quốc vẫn ảm đạm. Thêm vào đó, việc OPEC can thiệp vào nguồn cung không mang lại tác động mong muốn.

Theo các nhà phân tích, các biện pháp kích thích kinh tế của Trung Quốc hồi cuối tuần trước không đủ mạnh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong bối cảnh Mỹ có thể sẽ áp thuế nhập khẩu tới 60% đối với hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc khi Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump chính thức nắm quyền.

Gây áp lực lên giá dầu trong phiên là đồng USD tăng lên mức cao nhất trong 4 tháng so với "rổ" tiền tệ, khi các nhà đầu tư tiếp tục đổ xô vào các giao dịch được cho là hưởng lợi từ chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử. Đồng USD mạnh hơn khiến dầu trở nên đắt hơn ở các quốc gia khác, điều này có thể làm giảm nhu cầu.

Các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu cho biết, các chính sách bảo hộ của chính quyền Mỹ sắp tới sẽ cản trở tăng trưởng toàn cầu và châu Âu phải chuẩn bị tốt hơn.