Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá dầu thế giới năm 2017: Triển vọng phục hồi mạnh mẽ

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo giá dầu thô năm 2017 sẽ đạt bình quân 55 USD/thùng.

Không còn dư cung 

Trong khi đó, báo cáo do Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố ngày 13/12/2016 dự báo tình trạng dư thừa dầu sẽ biến mất trong nửa đầu năm 2017. Giá dầu đã tăng khoảng 23% kể từ giữa tháng 11/2016 đến nay. Tại cuộc họp quyết định cuối tháng 11/2016, thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC) đã nhất trí hạ tổng sản lượng của khối 1,2 triệu thùng/ngày từ tháng 1/2017. Một nhóm nước ngoài OPEC, gồm Nga, Mexico, Kazakhstan và Oman cũng đã cam kết cắt giảm sản lượng. 

 

Tuy nhiên, điều kiện chính để dự báo này trở thành hiện thực là OPEC và các nhà xuất khẩu dầu lớn ngoại khối tuân thủ nghiêm ngặt thỏa thuận đã đạt được. Nếu tất cả các bên thực hiện đúng cam kết cắt giảm sản lượng, “thị trường có thể sẽ rơi vào tình trạng thiếu dầu trong nửa đầu năm 2017, với mức thiếu hụt ước tính khoảng 600.000 thùng/ngày”. IEA cũng cảnh báo, triển vọng của thị trường dầu lửa trong dài hạn vẫn khó tiên liệu. Đó là do thỏa thuận cắt giảm sản lượng chỉ có hiệu lực trong vòng 6 tháng và sẽ được xem xét lại vào tháng 5.

Yếu tố bất ổn

Dù có những dấu hiệu khả quan nhưng thị trường dầu mỏ vẫn tồn tại nhiều yếu tố bất ổn, với khả năng bị ảnh hưởng bởi khả năng đồng USD tăng mạnh nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục điều chỉnh lãi suất trong thời gian tới. Theo các nhà phân tích năng lượng thế giới, tân chính quyền của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump với chính sách kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực năng lượng; cùng diễn biến phức tạp tại khu vực Trung Đông, nơi tập trung nhiều quốc gia sản xuất dầu lửa hàng đầu thế giới sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới giá nhiên liệu quý này.

Bên cạnh đó, giá dầu tăng trở lại đồng nghĩa với việc nguồn vốn đầu tư sẽ lại đổ vào lĩnh vực này. Cụ thể, số lượng giàn khoan dầu đã tăng trở lại trong những tháng gần đây và xuất hiện dấu hiệu "âm thầm" phục hồi sản xuất trong lĩnh vực vốn bị kìm hãm thời gian qua, do giá dầu sụt giảm mạnh. Theo IEA, các quốc gia thành viên OPEC muốn giảm sản lượng để đẩy cao giá dầu, nhưng chỉ ở mức độ nhất định. Nếu giá dầu tăng quá cao, thì các nhà sản xuất dầu đá phiến ở Mỹ có thể quay đầu đẩy mạnh khai thác. IEA nhấn mạnh, một số nhà khai thác dầu đá phiến ở Mỹ đã có những khoản đầu tư mới. 

Diễn biến mới nhất là đại diện chính quyền Iran hôm 6/1 đã tuyên bố cắt giảm sản lượng 200.000 thùng dầu/ngày theo thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC. Quyết tâm tăng sản lượng dầu của Iran sau khi được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt hồi tháng 7/2015 từng là một trong những nút thắt lớn trong tiến trình giảm sản lượng dầu. Hành động tiên phong của nhà sản xuất dầu lửa hàng đầu thế giới cho thấy triển vọng giá “vàng đen” trong năm 2017 sẽ tiếp tục phục hồi. Các chuyên gia kinh tế thế giới phần lớn đều nhận định giá năng lượng, đặc biệt là dầu mỏ sẽ tăng vững chắc trong năm nay.

Theo các chuyên gia, cùng với đà tăng của giá "vàng đen", giá nông sản và các gói kích cầu, áp lực lạm phát năm 2017 sẽ ngày càng đậm hơn đối với các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Theo đó, xu hướng phục hồi của giá dầu có khả năng thúc đẩy sự tăng trưởng trở lại của lĩnh vực khai khoáng và giảm áp lực lên thu ngân sách Nhà nước của Việt Nam. Hầu hết các tổ chức nghiên cứu lớn trên thế giới như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đều giữ nguyên mức dự báo về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2017. Theo đó, GDP được dự báo trong khoảng từ 6,2 - 6,3%, thấp hơn so với mức mục tiêu 6,7%.