Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gia Lâm xây dựng thôn, tổ dân phố điện tử

Bài, ảnh: Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo chỉ số cải cách hành chính năm 2016 vừa công bố, Gia Lâm đã vươn lên đứng thứ hai trong khối huyện với 87,77 điểm (chỉ sau thị xã Sơn Tây). Đây là kết quả đáng ghi nhận để Gia Lâm có bước tiến mới trong công tác này.

Nhiều thủ tục giảm được hàng chục ngày

Theo đánh giá, các chỉ số thành phần của huyện cơ bản đạt gần tối đa, trừ 2 chỉ số “cải cách thủ tục hành chính (TTHC)” và “hiện đại hóa hành chính”, nên ngay đầu năm 2017, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chức năng tìm hướng khắc phục. Theo Phó Trưởng Phòng Nội vụ huyện Lưu Thị Ngọc Yến, ngay từ đầu năm, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch đẩy mạnh DVCTT. Các xã, thị trấn năm ngoái chưa được áp dụng thì nay đã có 13 TTHC về tư pháp, cùng 10 TTHC tại huyện được thực hiện theo DVC mức 3. Mới đây, UBND huyện cũng ban hành kế hoạch thực hiện DVCTT mức 3, 4 đợt I/2017, với 42 TTHC tại cấp huyện, 26 TTHC cấp xã.

Giải quyết thủ tục hành chính cho công dân tại bộ phận một cửa xã Đặng Xá.

Chuẩn bị tốt nhất cho vận hành DVCTT mức 3, bộ phận một cửa (BPMC) huyện và 100% xã, thị trấn đã được trang bị cơ bản đáp ứng yêu cầu. Đặc biệt, để thay đổi nhận thức của người dân, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn cùng các trường học phát tờ gấp tuyên truyền cho giáo viên, học sinh; Đài phát thanh huyện hàng ngày phát chuyên mục hỏi đáp về DVCTT mức 3… Đến đầu tháng 8, trong 3.472 hồ sơ hành chính về tư pháp được tiếp nhận tại xã, thị trấn thì tới 95,33% được nộp trực tuyến.

Cùng với đó, UBND huyện chỉ đạo Phòng Tư pháp cùng các phòng, ban, UBND xã, thị trấn rà soát, đánh giá TTHC đang được thực hiện. Kết quả rà soát cho thấy, đến tháng 3/2017, tại cấp xã có 154 TTHC, cấp huyện có 287 TTHC. Nhờ đẩy mạnh DVCTT mức 3 và đơn giản hóa TTHC, đến nay, cấp huyện đã giảm thời gian giải quyết với tổng cộng 57 TTHC lĩnh vực tư pháp, LĐ-TB&XH, tài nguyên môi trường… Đáng chú ý, tối thiểu nhất là TTHC giảm thời gian được 3 ngày và có TTHC giảm tới 15 ngày, đó là thủ tục cấp GCN quyền sử dụng đất ở lần đầu. Cụ thể, từ lúc người dân nộp hồ sơ tại BPMC xã đến khi nhận kết quả cũng tại đó, trước đây mất 41 ngày thì nay chỉ còn 26 ngày.

Nhờ những động thái tích cực này, nửa đầu năm nay, tỷ lệ hồ sơ đúng hạn tại cấp huyện đạt tới 99,96%, cấp xã 99,79%; không còn nhận được đơn thư phản ánh việc chậm, muộn.

Hình thành các thôn, tổ dân phố điện tử

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Ngọc Thuần cho biết: Cùng với thường xuyên rà soát giảm thiểu thời gian giải quyết TTHC, tăng DVCTT mức 3, huyện năm nay cũng rất chú trọng hiện đại hóa nền hành chính. Phần mềm điều hành nội bộ cơ quan UBND huyện được đưa vào hoạt động từ đầu tháng 3/2017 để xử lý văn bản của lãnh đạo huyện tới 100% phòng, ban, ngành, đoàn thể, xã, thị trấn, tới tận chuyên viên; cùng phần mềm theo dõi, giải quyết đơn thư hoạt động hiệu quả. Huyện còn xây dựng đề án xác định chỉ số hài lòng của người dân về giải quyết TTHC, triển khai tới mọi xã, thị trấn.

“Để triển khai 68 TTHC thực hiện DVCTT mức 3 tại huyện, xã, thị trấn, đầu năm 2018, chúng tôi đang chỉ đạo tăng cường thanh niên tình nguyện hướng dẫn người dân, tập huấn cho 100% cán bộ huyện, xã, thị trấn về thực hiện TTHC mức 3, 4, tiến tới trả kết quả tại nhà cho công dân; đồng thời tăng cường trang thiết bị phục vụ DVCTT. Đặc biệt, sẽ thí điểm lắp đặt máy móc phục vụ DVC mức 3 tại nhà văn hóa của các thôn, xã, hướng tới xây dựng thôn, tổ dân phố điện tử” - ông Thuần nhấn mạnh.