Chúc mừng năm mới

Giá lợn tăng cao, vì sao người chăn nuôi vẫn lo thua lỗ?

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Giá lợn hơi liên tiếp tăng trong những ngày gần đây do nhiều trang trại lợn bị thiệt hại bởi mưa bão, lũ lụt đã gây thiệt hại. Tuy nhiên, thời điểm này, nhiều hộ chăn nuôi vẫn dè dặt tái đàn vì nỗi lo rủi ro dịch bệnh.

Giá lợn hơi chạm mốc 71.000 đồng/kg
Giá lợn hơi hôm nay (29/9), tiếp tục giữ đà tăng nhẹ tại cả ba miền. Hiện tại, khu vực miền Bắc vẫn giữ giá giao dịch cao nhất cả nước. Giá khảo sát trên toàn quốc trong phiên sáng nay dao động trong khoảng 63.000 - 71.000 đồng/kg. Trong đó, ghi nhận Hà Nội giá heo hơi đã đạt ngưỡng 71.000 đồng/kg, cao nhất cả nước.  

Giá lợn tăng cao, vì sao người chăn nuôi vẫn lo thua lỗ? - Ảnh 1Hiện tại giá lợn hơi đã cán mốc 71.000 đồng/kg. Ảnh minh họa 

Khu vực miền Trung - Tây Nguyên cũng ghi nhận điều chỉnh trái chiều trong tuần qua, giao dịch trong khoảng 64.000 - 68.000 đồng/kg. Giá heo hơi tại Thanh Hoá biến động giảm nhẹ 1.000 đồng/kg, còn 68.000 đồng/kg, ngang giá với Nghệ An. Các tỉnh, thành còn lại tăng rải rác 1.000 đồng/kg.

Khác với hai khu vực trên, giá heo hơi tại khu vực miền Nam vẫn giữ đà tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg trong tuần qua, dao động trong khoảng 64.000 - 67.000 đồng/kg. 
Khảo sát tại một số chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội như: Hà Đông, Phùng Khoang, Nam Thành Công… cho thấy, giá thịt lợn đang được bán với giá dao động từ 130.000 - 170.000 đồng/kg, tăng từ 10.000 - 15.000 đồng/kg tùy loại. Trong đó, sườn non, nạc vai và ba chỉ thường có giá cao hơn, dao động 150.000 - 170.000 đồng/kg.

Bà Nguyễn Thị Thiện, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Hà Đông (quận Hà Đông) cho hay, sau đợt mưa bão vừa qua do ảnh hưởng nguồn cung ứng khiến giá lợn hơi tăng mạnh và đã đẩy giá thịt lợn lên cao.

Còn theo giới chuyên gia, nguyên nhân khiến giá lợn hơi liên tiếp tăng trong những ngày gần đây một phần là do ảnh hưởng của bão Yagi và lũ lụt đã gây thiệt hại nặng nề cho các trang trại, nhiều nơi mất trắng hoặc chuồng trại bị ngập sâu, một phần giao thông bị gián đoạn cũng khiến giá lợn hơi tăng cục bộ tại một số địa phương.

Theo Bộ NN&PTNT, bão số 3 và mưa lớn đã khiến 26.485 con gia súc và gần 3 triệu con gia cầm bị chết. Chuồng trại bị phá hủy nghiêm trọng, làm việc tái đàn gặp nhiều khó khăn.

Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Dương Tất Thắng thông tin, theo thống kê, các tỉnh miền Bắc có khoảng hơn 22.000 gia súc, hơn 3 triệu con gia cầm bị chết do bão lũ vừa qua. “So với tổng đàn hơn 30 triệu con gia súc và hàng trăm triệu con gia cầm thì số lượng bị chết do lũ lụt không gây ảnh hưởng đến nguồn cung và việc đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng từ nay đến cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán sắp tới" - ông Dương Tất Thắng cho hay. 

Lưỡng lự tái đàn vì lo rủi ro 
Chủ tịch Hội chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Xuân Dương nhận định, lũ lụt xảy ra vừa qua cơ bản không ảnh hưởng nhiều đến nguồn cung thực phẩm của thị trường trong nước.

Bão lụt có ảnh hưởng nhất định đến thị trường, nhưng không đáng kể, bởi tỷ lệ giữa tổng đàn với thiệt hại vừa xảy ra chỉ chiếm vài %. Do đó, nếu tổ chức sản xuất hợp lý thì vẫn bù đắp đủ nhu cầu trong nước. Bên cạnh đó, từ nay đến cuối năm người chăn nuôi còn thời gian khoảng 4 tháng, đảm bảo đủ 1 chu kỳ trong chăn nuôi để tái đàn, đủ thời gian để cấp bù phần thiếu hụt do số lượng chết vì lũ lụt.  
“Nếu như hiện tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ mới bắt đầu tái đàn thì ít nhất đến tháng 1/2025 tới mới có nguồn cung mới ra thị trường nên giá lợn hơi có thể duy trì ở mức cao cho đến cuối năm 2024.”- ông Nguyễn Xuân Dương lưu ý. 
Giá lợn hơi tăng cao đã nhen nhóm hy vọng cho người nuôi lợn. Tuy nhiên, nhiều hộ dân vẫn lưỡng lự nên hay không nên tăng đàn, tái đàn trong thời điểm hiện nay. Bởi, theo tính toán của người chăn nuôi, chi phí đầu tư cho mỗi con lợn đến khi đạt trọng lượng xuất chuồng (khoảng 100kg) mất khoảng từ 4 - 5 triệu đồng. Trong khi đó, rủi ro về dịch bệnh hiện nay là rất khó lường.

Ông Nguyễn Đình Tường, chủ trang trại nuôi lợn ở xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai) chia sẻ: “Bên cạnh đó, giá lợn hơi trên thị trường cũng còn bấp bênh, rất khó dự đoán. Vì vậy, nếu vội vàng tái đàn, tăng đàn mà giá cả không ổn định hoặc dịch bệnh thì sẽ thua lỗ, không thu hồi được vốn, thậm chí mất trắng.”

Nhận định về tình hình chăn nuôi lợn ở thời điểm hiện tại, ông Dương Tất Thắng cho rằng, việc chăn nuôi chuyên nghiệp theo quy mô trang trại, khép kín là xu hướng trong tương lai và mô hình nông hộ nhỏ lẻ sẽ mất dần.

Bởi, khi chăn nuôi theo mô hình trang trại khép kín, giá thành sẽ giảm 7 - 10% so với các hộ nuôi nhỏ lẻ. Các doanh nghiệp có thể tự chủ con giống, thức ăn chăn nuôi. Còn nông hộ mua thức ăn chăn nuôi và con giống ở bên ngoài sẽ phải gánh giá cao hơn 1.000 đồng/kg và  500.000 đồng/con giống. 

 

Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cùng vào cuộc để hỗ trợ về con giống, thức ăn, vật tư, hỗ trợ phòng chống dịch bệnh… sớm phục hồi sản xuất và đáp ứng tối đa được nhu cầu thực phẩm dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2025.