KTĐT - Nền kinh tế thế giới dù đang phục hồi nhưng vẫn bị đe dọa thường trực bởi các nguy cơ kinh tế xuất phát từ lạm phát, nợ nần, giá lương thực và nhiên liệu tăng cao vượt quá nhiều dự báo.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Robert Zoellick ngày 14/4 nói rằng giá lương thực đã tăng 36% so với một năm trước và các mức giá này đang ở "vùng nguy hiểm".
Ngày 14/4, tại cuộc họp báo trước Hội nghị mùa Xuân chung giữa Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Chủ tịch WB Robert Zoellick, cho rằng nền kinh tế thế giới dù đang phục hồi nhưng vẫn bị đe dọa thường trực bởi các nguy cơ kinh tế xuất phát từ lạm phát, nợ nần, giá lương thực và nhiên liệu tăng cao vượt quá nhiều dự báo.
Ông Zoellick kêu gọi Nhóm các nền kinh tế phát triển và đang phát triển hàng đầu (G20) hành động khẩn cấp để chống đỡ nền kinh tế thế giới, ngăn chặn nguy cơ nạn đói đang tăng lên và bảo vệ người nghèo và người dễ bị tổn thương nhất do bão giá.
Theo ông Zoellick, các nước G20 cần chuyển trọng tâm và những ưu tiên để thích hợp với thời kỳ phục hồi kinh tế sau khủng hoảng, trong đó an ninh lương thực cần phải được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của các nhà lãnh đạo thế giới.
Theo số liệu của WB, giá lương thực tăng thêm 10%, thế giới sẽ thêm 10 triệu người bị đẩy xuống mức cùng khổ. Trên 44 triệu người trên thế giới đã bị đẩy xuống mức cùng khổ kể từ tháng 6/2010 do giá lương thực tăng cao, đưa tổng số người trên thế giới hiện đang phải sống cùng khổ lên 1,2 tỷ người. Các nước càng nghèo càng bị tác động nặng hơn của giá lương thực và nhiên liệu tăng cao so với các nước giàu.
Chủ tịch WB nhấn mạnh WB đã thúc đẩy kế hoạch hành động bảo vệ người nghèo và người dễ bị tổn thương song song với kế hoạch hỗ trợ các nước nghèo tăng sản xuất lương thực.
Về ngắn hạn, Chương trình phản ứng khủng hoảng lương thực toàn cầu trị giá 1,5 tỷ USD của WB đang hỗ trợ 40 triệu người nghèo. Hơn 40 nước thu nhập thấp đã và sẽ nhận được hỗ trợ của WB thông qua chương trình cung cấp hạt giống, thủy lợi, lương thực và các hỗ trợ khác để tăng sản lượng lương thực. Về dài hạn, Nhóm Ngân hàng Thế giới đã nâng tín dụng nông nghiệp của nhóm từ 4,1 tỷ USD năm 2008 lên mức 7 tỷ USD hàng năm.
Công ty Tài chính quốc tế (IFC), chủ công phát triển kinh tế tư nhân trong thành phần của WB đã thúc đẩy sáng kiến tín dụng 2 tỷ USD nhằm thu hẹp khoảng cách tay nghề của thanh niên các nước Trung Đông và Bắc Phi.
Trong khi đó, phát biểu tại Viện Brookings ở thủ đô Washington của Mỹ cùng ngày 14/4, Giám đốc điều hành IMF Dominique Strauss-Kahn cảnh báo thế giới vẫn đang đối mặt với cuộc khủng hoảng việc làm và bất bình đẳng về thu nhập.
Ông Strauss-Kahn nhấn mạnh cuộc khủng hoảng việc làm và bất bình đẳng có thể gieo những hạt giống bất ổn định phá hoại mọi thành tựu kinh tế thị trường. Việc thiếu các cơ hội kinh tế ở quá nhiều nước trên thế giới có thể dẫn đến những hành động phi sản xuất, bất ổn định chính trị, thậm chí xung đột. Tăng trưởng kinh tế không tạo ra nhiều việc làm và thành quả phát triển không được phân chia rộng rãi và công bằng có nguy cơ tạo ra cuộc khủng hoảng xã hội nghiêm trọng hơn cả khủng hoảng kinh tế.
Theo số liệu của IMF, thất nghiệp trên thế giới đang ở mức kỷ lục. Khủng hoảng kinh tế đã làm 30 triệu người mất việc làm cùng với 200 triệu người trên toàn cầu đang tìm việc làm. Khủng hoảng việc làm có nguy cơ làm mất cả một thế hệ vì nó đặc biệt tác động nặng nhất đến thanh niên trong khi ở nhiều nước, sự bất bình đẳng trong thụ hưởng thành quả phát triển cũng đang ở mức kỷ lục.
Giám đốc chấp hành IMF kêu gọi các nước cải tổ khu vực tài chính để tăng đầu tư vào các công ty vừa và nhỏ, động lực chủ chốt để tạo ra nhiều việc làm và thúc đẩy tăng trưởng. Các chính sách tăng trưởng cần đặc biệt hướng tới thị trường lao động, phối hợp đồng bộ với giáo dục đào tạo để lao động thất nghiệp dễ thích nghi với nền kinh tế đang thay đổi.
IMF cũng đặc biệt coi trọng khía cạnh xã hội của các chương trình tín dụng của IMF hỗ trợ các nước duy trì hệ thống an sinh xã hội cho người nghèo và hỗ trợ chia sẻ bình đẳng các thành quả phát triển./.