Giá sữa vẫn tăng, cơ quan chức năng vẫn “bất động”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngay trong những ngày đầu năm mới, các hãng sữa nước ngoài đã đồng loạt tăng giá bán sữa bột ngoại nhập từ 7 – 10%, mặc dù trong suốt cả năm 2009, giá sữa tăng cao là một trong những chủ đề gây bức xúc trong dư luận xã hội.

KTĐT - Ngay trong những ngày đầu năm mới, các hãng sữa nước ngoài đã đồng loạt tăng giá bán sữa bột ngoại nhập từ 7 – 10%, mặc dù trong suốt cả năm 2009, giá sữa tăng cao là một trong những chủ đề gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Cuối năm 2009, Thanh tra Bộ Tài chính đã công bố kết quả thanh tra giá sữa tại một số hãng sữa nước ngoài  và cho rằng, một trong những nguyên nhân đẩy giá sữa bột nhập ngoại ở nước ta lên cao là do các hãng sữa nước ngoài đã dành quá nhiều chi phí cho các hoạt động quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi. Các chi phí này đã đẩy giá thành sản phẩm lên cao và người tiêu dùng phải gánh chịu hoàn toàn. Cũng đã không ít ý kiến  kiến nghị các cơ quan chức năng phải có biện pháp để kiểm soát chặt chẽ giá sữa, nhất là sữa bột nhập khẩu. Nhưng đáng tiếc là cho đến nay, các cơ quan hữu quan vẫn chưa đưa ra được biện pháp nào hữu hiệu.

Hiện có khoảng 10 hãng sữa nước ngoài hoạt động tại nước ta, chiếm tới 80% thị phần sữa bột. Trong đó, riêng hãng sữa Abbott của Mỹ chiếm lĩnh hơn 30% thị phần. Một nghiên cứu thị trường mới đây cho thấy, doanh thu thị trường sữa bột nước ta lên đến 8.000 tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, ước tính khoảng 7.000 tỷ đồng thuộc về các nhãn hiệu sữa nhập ngoại các công ty nước ngoài. Điều đáng nói là, các hãng sữa nước ngoài đang làm mưa làm gió trên thị trường nước ta với quyền quyết định giá bán và phân phối sản phẩm. Với lợi thế này, các hãng sữa nước ngoài đang thu siêu lợi nhuận với hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Về giá bán, trong 3 năm gần đây, các hãng sữa nước ngoài liên tục đẩy giá bán sữa với nhiều lý do. Năm 2008, các hãng sữa như Mead Johnson, Abbott, Nestlé, Dumeck liên tục đẩy giá bán mỗi lần tăng từ 5% đến 7%. Do các hãng sữa này đều phân phối độc quyền và chiếm thị phần áp đảo nên hầu như phản ứng của người tiêu dùng là... đành phải chấp nhận nếu các hãng sữa tăng giá sản phẩm. Theo Giám đốc Siêu thị Bờ Hồ, Trung tâm thương mại Intimex của Bộ Công thương Vũ Thị Hiền thì, một hãng sữa nước ngoài vào Việt Nam chỉ qua một nhà phân phối duy nhất nên người tiêu dùng gần như không có quyền lựa chọn. Một nhà phân phối cho rằng, sữa bột nhập ngoại trên thị trường nước ta đang bị các hãng sữa nước ngoài làm giá. Nhà phân phối này khẳng định: ngay cả người thuộc Công ty sữa nước ngoài tại Việt Nam cũng không thể biết được mức lợi nhuận của sữa ngoại là bao nhiêu và khi nhập vào Việt Nam thì giá sữa đã được định ở nước ngoài. Khi Nhà nước đánh thuế thu nhập trên doanh thu của doanh nghiệp thì doanh thu trên sổ sách, báo cáo của doanh nghiệp đó không phản ánh đúng thực chất lợi nhuận mà doanh nghiệp thu được. 

Thêm một minh chứng nữa là năm 2008, trong khi các bộ, ngành còn chưa họp bàn quyết định việc tăng hay giảm thuế đối với các mặt hàng sữa thì ở ngoài thị trường các đại lý đã quyết định tăng giá sữa vùn vụt và giải thích với khách hàng là do tỷ giá đồng USD tăng và chiết khấu của các nhà sản xuất với đại lý chưa phù hợp... Có thời điểm, giá sữa bột nhập ngoại tăng 2-3 lần trong vòng một tháng nhưng người tiêu dùng vẫn phải chấp nhận. Và hệ quả là đến nay, giá sữa bột nhập ngoại trên thị trường nước ta hết sức vô lý. Giá một kg sữa đạt chuẩn về hàm lượng đạm, béo, đường và có bổ sung đầy đủ các khoáng chất như vitamin, DHA... theo tiêu chuẩn của Tổ chức Nông Lương thế giới và Tổ chức Thương mại thế giới không quá 70.000 đ/kg. Nếu cộng thêm thuế, chi phí vận chuyển, bao bì và các chi phí khác cho kinh doanh thì  mức giá bán trên thị trường chỉ khoảng 100.000 đ/kg là các hãng sữa đã có lãi. Nhưng người tiêu dùng đang phải trả giá sữa từ 300.000 đ/hộp 900gr trở lên. Phân tích kỹ về phương thức kinh doanh của các hãng sữa có thể thấy: hầu hết các hãng sữa đều chạy đua về thương hiệu bằng cách bổ sung chất này, chất kia như DHA, ARA, A+... vào sữa để lôi kéo người tiêu dùng, khiến người tiêu dùng lầm tưởng về tác dụng của các sản phẩm sữa, từ đó chấp nhận mua với giá cao gấp 3, 4 lần sản phẩm nội địa cùng loại. Với tâm lý giá bán càng cao, chất lượng càng tốt, người tiêu dùng dễ dàng bỏ nhiều tiền để mua niềm tin vào sự ảo tưởng là sữa sẽ tốt cho trẻ em, khỏe hơn, cao hơn, ít bệnh hơn... Thừa nhận tâm lý này, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia Nguyễn Thị Lâm cho biết: Thực chất không có sự khác biệt lớn giữa sữa nội và sữa ngoại về thành phần dinh dưỡng cơ bản như hàm lượng đạm, chất béo, vitamin... Không thể nói rằng, vì bổ sung DHA, ARA... vào sản phẩm mà đẩy giá sữa nhập ngoại tăng một cách vô lý như vừa qua được.

Ông Hồ Tất Thắng, Phó chủ tịch Hội tiêu chuẩn và bảo về người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, có thể có một số giải pháp để kiểm soát giá sữa như: Các hãng sữa vào Việt Nam phải kê khai về giá ban đầu để tránh tình trạng nâng giá một cách tùy tiện. Bên cạnh đó, cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người tiêu dùng nhận thức đúng về chất lượng và giá thành các sản phẩm sữa ngoại nhập. Khi người tiêu dùng nhận thức đầy đủ về giá trị thực của các sản phẩm sữa này thì các hãng sữa nước ngoài cũng không thể tuỳ tiện tăng giá bán hoặc tăng giá một cách vô lý được

Valid: True