Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gia tăng căng thẳng vùng Donbass

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nga tuần này bất ngờ tăng cường hiện diện quân sự của mình trên bán đảo Crimea, di chuyển các đơn vị đến gần biên giới với Ukraine và tuyên bố “kiểm tra khả năng sẵn sàng của quân đội”. Động thái lập tức thu hút phản ứng lo ngại từ Chính phủ Kiev và đồng minh phương Tây.

Loạt video được công bố trong tuần này đã cho thấy hình ảnh pháo hạng nặng của Nga di chuyển qua cầu Eo biển Kerch đi vào Crimea. Trong khi các đơn vị khác của Nga, bao gồm thiết giáp và tên lửa đất đối không, hướng về phía biên giới Ukraine đối diện Donbass. Ngày 6/4, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu thông báo rằng quân đội nước này bắt đầu triển khai hơn 4.000 cuộc tập trận tại các quân khu trên toàn quốc để kiểm tra khả năng sẵn sàng của lực lượng - động thái mà Điện Kremlin mô tả là hoạt động thường lệ, thay vì là kế hoạch can thiệp quân sự vào Ukraine như phương Tây đang cáo buộc.
 Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (chính giữa) thăm vùng chiến sự Donbass vào tháng 2/2021. Ảnh: AP
“Nga không phải là mối đe dọa đối với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới”, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói trong một tuyên bố, nhấn mạnh rằng hoạt động vũ trang trên lãnh thổ quốc gia Nga “hoàn toàn không liên quan đến bất kỳ bên nào khác”.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ ra thông báo bày tỏ quan ngại về các hoạt động điều quân của Nga trong tuần này. “Chúng tôi thực sự lo ngại trước những leo thang gần đây về các hành động gây hấn và khiêu khích của Nga… liên quan đến việc chuyển quân của Nga tại biên giới Ukraine”, phát ngôn viên Ned Price tuyên bố trước báo giới hôm 5/4. Hôm 6/4, đồng ruble đã giảm giá mạnh so với đồng USD do lo ngại xung đột một lần nữa lại gia tăng tại Donbass - tên gọi chung của khu vực Donetsk và Luhansk tại Ukraine.
Đúng vào tháng 4 cách đây 7 năm, chiến sự ở Donbass nổ ra - sau chuỗi sự kiện bao gồm việc Nga sáp nhập Crimea và phong trào Maidan - và đến nay vẫn chưa thể chấm dứt, bất chấp nhiều thỏa thuận ngừng bắn đã được Moscow và Kiev hậu thuẫn, chấp nhận. Thống kê của Liên Hợp quốc tại điểm nóng này cho biết, hơn 13.000 người đã thiệt mạng và hơn 1 triệu người khác phải rời bỏ nhà cửa kể từ tháng 4/2014 đến nay.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 6/4 nhắc lại mong muốn gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) với mục tiêu “tự bảo vệ mình trước Nga”, gọi đây là cách duy nhất để chấm dứt chiến tranh ở Ukraine trong một cuộc điện đàm với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Người đứng đầu NATO sau đó đã lên tweet nhấn mạnh “quan hệ đối tác chặt chẽ” với Kiev, nhưng không cam kết gì về tư cách thành viên của Ukraine. Theo truyền thông quốc tế, Kiev gần đây đang ra sức kêu gọi sự hỗ trợ của đồng minh phương Tây trong bối cảnh gia tăng các vụ vi phạm lệnh ngừng bắn cũng như số người chết ở các khu vực ly khai ở phía Đông Nam đất nước. Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) từ lâu đã trừng phạt Nga vì sự kiện sáp nhập Crimea năm 2014, cáo buộc Moscow ủng hộ lực lượng ly khai ở khu vực Donbass.

“Đối với Nga, rõ ràng sẽ không có lợi cho nước này, cũng như đi kèm rất nhiều rủi ro nếu tham gia hỗ trợ quân sự trực tiếp cho Donbass”, Alexei Chesnakov - cựu quan chức cấp cao của Điện Kremlin và là cố vấn về chính sách Ukraine nói với Bloomberg. Nhận định về diễn biến nóng hiện nay, ông cho rằng việc Nga củng cố quân đội lúc này là nhằm cố gắng gây áp lực với Ukraine trong việc thực hiện Thỏa thuận hòa bình Minsk năm 2015 vốn đang bị đình trệ.
Bên cạnh đó, giới quan sát phỏng đoán Moscow có thể đang muốn kiểm tra quyết tâm của chính quyền tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đối với Ukraine, đặc biệt là sau căng thẳng từ các buộc nặng lời gần đây của ông Biden về Tổng thống Putin. Washington vừa qua đã cam kết khoản viện trợ quân sự 125 triệu USD cho Kiev, nhưng là cho một giải pháp lâu dài thay vì phản ứng đối với sự leo thang bất ngờ như hiện nay.