Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gia tăng sức ép với Trung Quốc trên Biển Đông

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cộng đồng quốc tế những ngày qua đồng loạt phát cảnh báo phản đối các hoạt động phi pháp của Trung Quốc đang tăng cường ở Biển Đông, khiến căng thẳng leo thang trong khu vực và gây ảnh hưởng đến một trong những tuyến đường thương mại trọng yếu của thế giới.

 Các tàu của Trung Quốc xuất hiện gần Đá Ba Đầu ở Biển Đông. Ảnh: AP
Bất chấp phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Quốc tế cũng như sự phản đối mạnh mẽ lâu nay từ cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn ngang nhiên tăng cường quân sự hóa các đảo nhân tạo mà nước này xây dựng và bồi lấp trái phép ở Biển Đông, nhằm hiện thực hóa yêu sách chủ quyền phi pháp. Ảnh chụp vệ tinh do hãng công nghệ Maxar Technologies cung cấp cho thấy, tàu thuyền của Trung Quốc đang dàn đội hình tại Đá Ba Đầu, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Các tàu neo đậu sát nhau theo lớp lang, có hàng lên tới gần 40 chiếc.

Lực lượng hải cảnh Philippines hôm 7/3 cũng cho biết, có khoảng 220 tàu của Trung Quốc được phát hiện tại khu vực này, và chỉ điểm rằng đó là lực lượng dân quân biển (PAFMM) thuộc quân đội Trung Quốc, thay vì chỉ là “tàu cá lánh nạn” như lời Bắc Kinh biện bạch. Đáng nói, sự hiện diện bất thường này khiến các quốc gia và khu vực liên quan đặc biệt lo ngại, khi nó nhắc nhớ đến loạt sự kiện theo chiến thuật “vùng xám” mà Trung Quốc từng thực thi để cưỡng chiếm các thực thể ở Biển Đông vào các năm 1995 và 2012.

Chưa dừng ở đó, giới chức Trung Quốc cuối tuần qua còn đơn phương ra thông báo cấm các tàu thuyền lưu thông qua khu vực biển nằm giữa đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trong 2 ngày 29 - 30/3 để “phục vụ diễn tập quân sự”. Trước đó, Trung Quốc hồi đầu tháng này cũng tuyên bố bắt đầu cuộc tập trận quân sự kéo dài một tháng ở Biển Đông, đơn phương cấm mọi tàu thuyền đi vào khu vực tập trận trong suốt tháng 3. Theo giới quan sát, hành động như vậy của Trung Quốc không chỉ gây cản trở các hoạt động hàng hải và hàng không ở Biển Đông, mà còn khiến tình hình càng trở nên phức tạp tại khu vực vốn nhiều tranh chấp này.

“Các cuộc tập trận này luôn gây căng thẳng. Mặc dù tình hình hiện tại có vẻ bình lặng khi mà tất cả các bên vẫn duy trì sự kiềm chế, nhưng không thể bảo đảm rằng sẽ không có bất cứ điều gì xảy ra ngoài ý muốn” - chuyên gia Collin Koh tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam, Singapore, nói với SCMP.

Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 25/3 đã lên án hành vi của Trung Quốc tại Đá Ba Đầu, đồng thời khẳng định Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Trong một tuyên bố phản đối hoạt động diễn tập bắn đạn thật của Trung Quốc ở đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa, ngay từ hôm 11/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Mọi hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam mà không có sự cho phép của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này, gây phức tạp tình hình và không có lợi cho quan hệ, hòa bình, ổn định, trật tự, an ninh, an toàn, tự do hàng không và hàng hải trên Biển Đông”.

Viết trên Twitter hôm 29/3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định, Mỹ đứng về phía các đồng minh và đối tác trước các hành vi hung hăng của Bắc Kinh ở Biển Đông, “ủng hộ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”. Còn tại cuộc họp hôm 28/3 giữa các Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản và Indonesia, 2 nước đã nhất trí phản đối mạnh mẽ bất kỳ hành động nào của Trung Quốc làm leo thang căng thẳng khu vực. Điều này - theo Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Nobuo Kishi - sẽ bao gồm tăng cường hợp tác quốc phòng giữa 2 nước và tổ chức tập trận chung ở Biển Đông. Trong tuyên bố chung sau chuyến thăm Nhật Bản của Ngoại trưởng Mỹ đầu tiên dưới thời tân Tổng thống Joe Biden hồi giữa tháng 3, Washington và Tokyo cũng nhất trí đẩy lùi những tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự ổn định tại eo biển Đài Loan - một vấn đề vốn coi là “lằn ranh đỏ” với Bắc Kinh.

“Biển Đông rõ ràng không phải là vấn đề mà chính quyền mới của ông Biden xác định có thể tìm cách hợp tác với Trung Quốc. Đây được coi là vấn đề cạnh tranh hoặc phản kháng” - Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Biển Đông tại Trung Quốc - Kang Lin nhận định, “có thể dự đoán rằng Trung Quốc sẽ đối mặt sức ép lớn hơn ở Biển Đông so với dưới thời cựu Tổng thống Trump”.