Thế giới tăng mạnh
Chốt phiên giao dịch đêm qua (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao ngay tại thị trường Mỹ đứng tại mốc 1.897,8 USD/ounce, gần như đi ngang so với chốt phiên trước tại thị trường này. Trong phiên hôm qua, giá vàng thế giới có lúc tăng lên ngưỡng 1.902 USD/ounce, mức cao nhất trong vòng 8 tháng qua.
Lúc 8 giờ 30 phút (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới tại thị trường châu Á giao dịch quanh ngưỡng 1.897 USD/ounce, đi ngang so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.
Tuần qua, giá vàng thế giới biến động mạnh theo chiều tăng. Nguyên nhân là do căng thẳng giữa Nga và Ukraine được đẩy lên cao, khi các nước NATO và Mỹ cho rằng Nga đang chuẩn bị lực lượng để tấn công Ukraine. Còn Nga bác bỏ các tin đồn kể trên.
Giá vàng tuần qua chỉ có 2 phiên giảm là ngày 14-16/2, khi Mỹ công bố báo cáo kinh tế tích cực. Còn 3 phiên tăng từ mức 1.859 USD/ounce đầu tuần lên đứng mức 1.897,8 USD/ounce vào cuối tuần. Trong đó, phiên tăng mạnh nhất là ngày 18/2, giá vàng thế giới đã có phiên tăng tới 29 USD/ounce tại thị trường Mỹ.
Hiện giới đầu tư lo ngại căng thẳng địa chính trị tại Nga - Ukraine sẽ bị đẩy lên cao hơn với các cuộc tấn công vũ khí, bởi bởi các cuộc đàm phán ngoại giao được lên kế hoạch giữa Mỹ và các quan chức Nga đã giảm đi.
Nhận định của chuyên gia, tình hình căng thẳng địa chính trị chưa “hạ nhiệt”, nên lực mua vàng khi giá giảm vẫn rất mạnh, đẩy giá kim loại quý tăng cao.
Kết tuần, giá vàng thế giới đã tăng gần 39 USD/ounce so với giá mở cửa tuần. Nếu tính từ mức thấp nhất tuần 1.853 USD/ounce trong phiên ngày 16/2 thì giá vàng thế giới đã tăng 45 USD.
Dự báo của chuyên gia, giá vàng vẫn đang còn cơ hội tăng, khi căng thẳng địa chính trị còn đó. Đồng thời, thị trường đang đồn đoán Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không mạnh tay tăng lãi suất 0,5% như dự đoán trước đó, mà có thể chỉ tăng 0,25%. Điều này có lợi cho giá vàng. Dự báo, giá vàng thế giới sẽ leo qua ngưỡng 1.900 USD/ounce vào tuần sau.
Trong nước thu hẹp khoảng cách với thế giới
Sáng nay, giá vàng SJC trên thị trường trong nước cũng chỉ đi ngang so với chốt phiên trước. Cụ thể, lúc 8 giờ 35 phút, giá vàng SJC tại thị trường TP Hồ Chí Minh giao dịch mua - bán quanh mức 62,5 – 63,2 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tại Hà Nội và Đà Nẵng giao dịch mua - bán trong khoảng 62,5 – 63,22 triệu đồng/lượng.
Các thị trường trên đều giữ giá cả chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 700.000 đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji, niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 62,3 – 63,1 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 700.000 đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Công ty Phú Quý, niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 62,6 – 63,2 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 50.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 600.000 đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn tròn trơn Phú Quý được Công ty Phú Quý niêm yết (mua - bán) ở mức 53,8 – 54,5 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng cả chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 700.000 đồng/lượng.
Vàng nhẫn Gold 24K của Công ty vàng Việt Nam Gold niêm yết giá (mua-bán) quanh mức 53,65 – 54,45 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 800.000 đồng/lượng.
Tuần qua, giá vàng trong nước cũng tăng theo xu hướng thế giới, nhưng mức tăng không quá mạnh. Do đó vàng SJC đã thu hẹp khoảng cách chênh lệch giá với thế giới. Nếu như cuối tuần trước, vào dịp Vía Thần tài, giá vàng thế giới vẫn thấp hơn giá vàng trong nước khoảng gần 12 triệu đồng/lượng. Nhưng đến cuối tuần này, giá vàng SJC chỉ còn cao hơn vàng thế giới gần 9 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí.
Tính chung, giá vàng SJC trên thị trường tự do và tại Công ty Phú Quý đã tăng đến 450.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần. Giá vàng SJC tại Doji đã tăng đến 400.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần.
Dự báo của giới phân tích, giá vàng SJC tiếp tục đi theo xu hướng thế giới trong tuần tới. Tuy nhiên, mức giá điều chỉnh tăng vẫn sẽ hạn chế để thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch giữa 2 thị trường “nội” và “ngoại”.