Định hướng điều hành giá cả xăng dầu, chính sách phát triển thị trường vốn là những nội dung được nhiều doanh nghiệp và người dân đặc biệt quan tâm trong những ngày đầu năm 2016. Trong chuyên mục Dân hỏi Bộ trưởng trả lời tuần này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng sẽ trả lời những thắc mắc này để giúp doanh nghiệp và người dân có đủ thông tin chủ động lên kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình.
PV: Thưa Bộ trưởng, dù năm qua giá dầu thô thế giới có giảm sâu và được xem là cú sốc vào ngân sách của nước ta, nhưng đến những ngày cuối cùng của năm, Bộ Tài chính vẫn công bố ngân sách và bội chi đạt chỉ tiêu. Vậy Bộ Tài chính đã làm thế nào để giải quyết được bài toán khó là cân đối ngân sách này? Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Trước diễn biến như vậy, ngay từ năm 2014 Bộ Tài chính đã chủ động tính toán kịch bản về giá dầu thô 60, 50, 40 USD/thùng cho năm 2015, đề ra các giải pháp kiến nghị Chính phủ đề điều hành trong năm 2015. Như vậy, ngay từ đầu năm đã tập trung chỉ đạo nghiên cứu ban hành các chính sách triển khai khi được Quốc hội thông qua, có hiệu lực trong năm 2015, ví dụ như sửa đổi 5 luật thuế, hay sửa đổi thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt… qua đó điều chỉnh chính sách thu, tăng thu nội địa giảm thu xuất, nhập khẩu từ dầu thô. Thứ hai là tập trung cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan qua đó tăng cường thu hút đầu tư sản xuất kinh doanh trong nước. Trong điều hành, tăng cường phối hợp với các ngành, cấp ủy chính quyền địa phương phấn đấu tăng thu nội địa, đảm bảo hụt thu từ giá dầu thô suy giảm. Cụ thể tăng cường kiểm tra chống thất thu thuế, nợ đọng, chống chuyển giá đến nay kết thúc năm chúng tôi đã thu được 40.000 tỉ nợ thuế của năm 2014 chuyển qua. Trong điều hành ngân sách thì triệt để tiết kiệm chi đặc biệt chi thường xuyên để đảm bảo cân đối ngân sách, và triển khai quyết liệt công tác quản lý giá theo nguyên tắc thị trường, cùng phối hợp với các địa phương quản lý đầu vào giảm chi phí thúc đẩy sản xuất kinh doanh tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. PV: Vậy Bộ trưởng có nhận định như thế nào về tình hình cân đối ngân sách năm nay, và Bộ Tài chính dự định có những kế sách gì để xử lý các tác động từ hội nhập quốc tế đến ngân sách? Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Chúng tôi cũng đã xây dựng các kịch bản về giá dầu thô trong năm 2016 là 55, 50, 40, 35, 30 USD/thùng để làm cơ sở điều hành dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016. Kế thừa những giải pháp đã làm rất thành công trong năm 2015 như cắt giảm chi, điều chỉnh chính sách thu, hay tăng cường công tác thanh, kiểm tra chống thất thu, nợ đọng thuế sẽ tiếp tục được thực hiện trong năm nay. Đặc biệt là từ kinh nghiệm điều hành giá cả nếu giá xăng dầu xuống chúng ta sẽ điều hành thật tốt đảm bảo chi phí đầu vào của nền kinh tế, doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đây là tiền đề quan trọng nhất để tăng thu cho ngân sách nhà nước trong tương lai. PV: Thưa Bộ trưởng, nhiều người dân gửi thư về chuyên mục đánh giá cao việc giá xăng dầu trong năm qua được điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến giá dầu thô thế giới với tổng số lần điều chỉnh là 23 lần. Tuy nhiên, một số cũng bày tỏ sự băn khoăn tại sao giá dầu thế giới giảm 40% trong khi giá xăng trong nước bán lẻ chỉ giảm 12% và giá dầu bán lẻ chỉ giảm 30%? Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Theo thống kê của chúng tôi chi phí dầu thô trong giá bán lẻ xăng dầu chỉ chiếm 40%, 50% trong giá dầu bởi lẽ từ dầu thô còn phải qua chế biến, rồi chi phí vận tải, dự trữ, nộp thuế. Điều này khẳng định tỉ lệ giảm giá dầu thô đầu năm so với cuối năm, đầu tháng so với cuối tháng không thể tương xứng với tỉ lệ bán lẻ xăng dầu. Để chứng minh điều này thì so với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Lào, Campuchia thì giá xăng, dầu bán lẻ còn thấp khá xa so với các nước này. PV: Trước diễn biến giá dầu thô ngày càng phức tạp như vậy, thì năm nay dự kiến Bộ Tài chính sẽ định hướng điều hành giá xăng dầu như thế nào thưa Bộ trưởng? Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Chúng tôi vẫn kiên định điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo Nghị định 83 và cập nhật thường xuyên giá thế giới. Thứ hai trong điều hành đảm bảo thông tin minh bạch hơn thứ ba tăng cường công tác, thanh kiểm tra về giá bán lẻ xăng dầu theo quy định của Chính phủ. PV: Thưa Bộ trưởng, một doanh nghiệp gửi thư về chuyên mục phấn khởi cho biết trong năm qua họ đã xây dựng một nhà máy sản xuất hàng xuất khẩu nhờ huy động vốn trên thị trường chứng khoán. Doanh nghiệp này mong muốn Bộ trưởng cho biết năm nay Bộ Tài chính sẽ có các chính sách phát triển các dòng vốn trong và ngoài nước như thế nào để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam hội nhập với nền kinh tế thế giới? Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Chúng tôi sẽ triển khai một loạt các giải pháp trong năm tới là tập trung khơi thông nguồn vốn nước ngoài đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, để làm được điều này triển khai hiệu quả Nghị định 60 của Chính phủ trong đó có vấn đề nới room cho nhà đầu tư nước ngoài, thứ hai triển khai các giải pháp nâng mức tín nhiệm của thị trường chứng khoán Việt Nam. Thứ ba là giảm thiểu các thủ tục hành chính để các nhà đầu tư vào, tiếp tục tái cấu trúc thị trường chứng khoán theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó tập trung nguồn cung cho thị trường mà hàng hóa quan trọng nhất là cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Trong giai đoạn 5 năm qua chúng ta đã thực hiện tốt về mặt số lượng đã cổ phần hóa được 96% theo Đề án của Chính phủ nhưng về mặt chất lượng còn doanh nghiệp bán số lượng thấp so với việc được phê duyệt cho nên cần có giải pháp để nâng cao, hàng hóa ra thị trường chứng khoán. Đây là cơ sở quan trọng để chúng ta thu hút người mua một phần cũng nâng cao chất lượng ra thị trường, qua đó cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra, tạo sự minh bạch ở thị trường, tạo niềm tin cho nhà đầu tư vào thị trường trong nước. PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. |