Trên sàn New York Mercantile Exchange, sáng 10/2 (theo giờ Việt Nam), giá dầu WTI của Mỹ tăng 62 cent, tương đương 0,8%, lên mức 76,84 USD/thùng. Còn Brent kỳ hạn tháng 3 tăng 56 cent, tương đương 0,7%, lên mức 82,19 USD/thùng.
Các chuyên gia cho biết, kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tuần, giá dầu tăng thêm khoảng 60 cent do gia tăng lo ngại về nguồn cung từ Trung Đông.
Giá dầu kỳ hạn tăng liên tục cả tuần, được hỗ trợ mạnh sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bác bỏ đề xuất ngừng bắn của Hamas ngày 7/2. Tính cả tuần, giá dầu đã tăng gần 6%, lấy lại được gần hết mức mất mát cùa tuần trước (giảm gần 7%).
Chủ tịch của Ritterbusch and Associates LLC ở Galena (Illinois) Jim Ritterbusch cho biết, kiểu biến động giá hằng tuần này trên thị trường dầu thô sẽ đặc trưng hơn trong thời gian còn lại của tháng, bởi thiếu các tiêu đề tăng giá lớn từ Trung Đông có thể buộc phải điều chỉnh cân bằng dầu toàn cầu.
Theo Công ty Dịch vụ năng lượng Baker Hughes, các công ty năng lượng Mỹ trong tuần này đã bổ sung thêm 4 giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên lên 623 giàn, mức cao nhất kể từ giữa tháng 12/2023.
Trong khi đó, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết, sản lượng nội địa của Mỹ đã quay trở lại, tăng lên mức kỷ lục 13,3 triệu thùng/ngày. Tháng trước, thời tiết lạnh giá đã khiến các khu vực sản xuất dầu phải đóng cửa trên diện rộng.
Cũng hỗ trợ giá dầu mạnh mẽ là xung đột ở Trung Đông đang leo thang. Ngày 9/2, Israel tiếp tục các cuộc không kích vào Dải Gaza sau vụ đánh bom thành phố biên giới phía Nam Rafah trước đó 1 ngày vốn đã đẩy giá dầu tăng vọt khoảng 3%.
Đà leo dốc của giá dầu còn được “tiếp sức” bởi giá xăng và dầu diesel tăng thắt chặt thị trường sản phẩm. Giá xăng tương lai tăng khoảng 9% trong tuần lên 2,34 USD/gallon, trong khi giá dầu sưởi tương lai tăng 11% lên 2,96 USD/gallon.
Cũng trong ngày 9/2, Ukraine đã tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào 2 nhà máy lọc dầu ở miền Nam nước Nga mang tên Ilsky và Afipsky, tại Krasnodar Krai, giáp Crimea trên Biển Đen và bờ Biển Azov, gây hỏa hoạn tại nhà máy lọc dầu Ilsky.
Thiệt hại từ các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine và sự cố kỹ thuật tại các nhà máy lọc dầu của Nga đã khiến Nga xuất khẩu nhiều dầu thô hơn so với kế hoạch đã thỏa thuận với OPEC+ trong tháng 2 này.
Nhà phân tích tại Commerzbank Carsten Fritsch nhận xét, vẫn cần phải cung cấp bằng chứng rằng Nga có thể cắt giảm xuất khẩu dầu một cách đầy đủ ngay cả khi không có những hạn chế liên quan đến thời tiết.