70 năm giải phóng Thủ đô

Giá xăng dầu hôm nay 14/2: Xuống dốc

Nguyên Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tồn kho dầu của Mỹ tăng cao, căng thẳng địa chính trị tiếp tục ở Trung Đông và Đông Âu khiên giá xăng dầu quay đầu giảm nhẹ.

Trên sàn New York Mercantile Exchange, sáng 14/2 (theo giờ Việt Nam), giá dầu WTI của Mỹ ở mốc 77,87 USD/thùng, còn Brent kỳ hạn tháng 3 mức 82,77 USD/thùng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Các chuyên gia cho biết, giá dầu Brent và WTI ngày hôm nay cùng giảm. Kết thúc phiên giao dịch ngày 13/2, giá dầu tăng gần 1 USD khi căng thẳng địa chính trị tiếp tục ở Trung Đông và Đông Âu.

Giá dầu đã tăng sau phiên gần như đi ngang trước đó 1 ngày. Tuần trước, căng thẳng leo thang ở Trung Đông đã đẩy giá dầu tăng vọt gần 6%. Theo Reuters, Mỹ đã bác bỏ đề xuất của Tổng thống Nga Vladimir Putin về lệnh ngừng bắn ở Ukraine.

Đối tác của Again Capital có trụ sở tại New York John Kilduff nhận xét, việc bác bỏ cho thấy rằng thực sự không có hồi kết về lệnh ngừng bắn hoặc thỏa thuận hòa bình ở Ukraine.

Trong khi đó, xung đột leo thang ở Trung Đông tiếp tục làm dấy lên mối lo ngại về nguồn cung trong tương lai. Ngày 13/2, các cuộc đàm phán giữa các nhà trung gian Mỹ, Ai Cập, Israel và Qatar về thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza đã kết thúc mà không có đột phá.

Trên tuyến biển, lực lượng Houthi tiếp tục các cuộc tấn công ở Biển Đỏ, tuyên bố đoàn kết với người Palestine và tấn công các tàu có quan hệ thương mại với Mỹ, Anh và Israel. Trong khi căng thẳng tiếp diễn ở Trung Đông và Đông Âu hỗ trợ giá dầu tăng thì việc các nhà hoạch định chính sách của Fed tiếp tục chờ thêm bằng chứng về việc giảm áp lực giá trước khi cắt giảm lãi suất đã hạn chế đà tăng của giá dầu.

Dữ liệu từ Cục Thống kê lao động của Bộ Lao động Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 1 đã tăng 0,3%, cao hơn so với chỉ số 0,2% hồi tháng 12/2023. So với cùng kỳ năm ngoái, CPI tăng 3,1%, giảm so với mức 3,4% hồi tháng 12-2023.

Cũng trong tháng 1, CPI cơ bản tăng 0,4% và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Lạm phát vẫn ở mức cao khiến việc cắt giảm lãi suất của Fed trong năm có thể bị hoãn lại, điều đó có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế và ảnh hưởng đến nhu cầu dầu mỏ.

Cũng hạn chế đà tăng của giá dầu là đồng USD tăng lên mức cao nhất trong 3 tháng. Ngày 13/2, Viện Dầu khí Mỹ (API) cho biết tồn kho dầu thô ở Mỹ đã tăng thêm 8,52 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 9/2. Tuy nhiên, tồn kho xăng giảm đáng kể, 7,23 triệu thùng; tồn kho sản phẩm chưng cất giảm khoảng 4,016 triệu thùng.