Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá xăng dầu hôm nay 23/11: đạt mức cao nhất 2 tuần

Nguyên Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi  - Bỏ túi hớn 6% trong tuần do lo ngại gia tăng xung đột Nga - Ukraine tiếp tục hỗ trợ giá xăng dầu thế giới.

Các chuyên gia cho biết, kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tuần (ngày 22/11), giá dầu “bỏ túi” thêm khoảng 1%, đạt mức cao nhất trong 2 tuần.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Giá dầu Brent tăng 94 cent, tương đương 1,3%, lên mức 75,17 USD/thùng. Giá dầu WTI tăng 1,14 USD, tương đương 1,6%, lên mức 71,24 USD/thùng.

Cả hai mặt hàng dầu tiêu chuẩn đã tăng khoảng 6% trong tuần, mức tăng cao nhất kể từ ngày 7/11. Giá dầu tăng do Moscow đẩy mạnh cuộc tấn công vào Ukraine sau khi Anh và Mỹ cho phép Kiev sử dụng tên lửa của họ để tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga.

Nhà phân tích Ole Hansen của Ngân hàng Saxo nhận xét, sự leo thang căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã làm gia tăng căng thẳng địa chính trị, vượt xa mức độ từng thấy trong cuộc xung đột kéo dài hơn một năm giữa Israel và lực lượng được Iran hậu thuẫn.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, Nga sẽ tiếp tục thử nghiệm tên lửa siêu thanh Oreshnik mới. Nga đã bắn tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi Ukraine sử dụng tên lửa đạn đạo của Mỹ và tên lửa hành trình của Anh để tấn công Nga.

Theo nhà phân tích John Evans của PVM, điều mà thị trường lo sợ là sự phá hủy bất kỳ mỏ dầu, khí đốt và cơ sở lọc dầu nào bởi việc này không chỉ gây thiệt hại lâu dài mà còn đẩy nhanh vòng xoáy xung đột.

Trong động thái mới, Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với Ngân hàng Gazprombank của Nga.

Điện Kremlin cho biết lệnh trừng phạt mới của Mỹ là nỗ lực của Washington nhằm cản trở việc xuất khẩu khí đốt của Nga, nhưng Moscow sẽ tìm ra giải pháp.

Liên quan đến nguồn cầu, Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, đã công bố các biện pháp chính sách trong tuần này nhằm thúc đẩy thương mại, bao gồm hỗ trợ nhập khẩu sản phẩm năng lượng, trong bối cảnh lo ngại Mỹ sẽ áp thuế cao đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Theo các nhà phân tích, thương nhân và dữ liệu theo dõi tàu biển, lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 11 dự kiến sẽ phục hồi. Lượng dầu nhập khẩu ở Ấn Độ, quốc gia nhập khẩu dầu lớn thứ 3 thế giới, cũng tăng do mức tiêu thụ trong nước tăng.

Gây áp lực lên giá dầu trong phiên giao dịch ngày 22/11 là thông tin hoạt động kinh doanh của khu vực đồng euro trong tháng 11 đã thay đổi theo chiều hướng xấu đi, ngành dịch vụ chủ chốt của khối này suy giảm, ngành sản xuất chìm sâu hơn vào suy thoái.

Đồng USD tăng lên mức cao nhất trong 2 năm so với các loại tiền tệ khác cũng hạn chế đà tăng của giá dầu.