Trên sàn New York Mercantile Exchange, sáng 23/9 (theo giờ Việt Nam), giá dầu WTI của Mỹ giao tháng 10 ở mức 91,25 USD/thùng, tăng 1,62 USD, tương đương 1,81% so với phiên liền trước.
Còn dầu Brent giao tháng 11 lên mức 94,57 USD/thùng, tăng 1,27 USD, tương đương 1,36% so với phiên liền trước.
Các chuyên gia cho biết, trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay 23/9 có chiều hướng tiếp tục đi lên.
Trong phiên giao dịch ngày 22/9, giá xăng dầu thế giới phục hồi sau 2 phiên giảm liên tiếp. Nguyên do giá dầu bật tăng được chỉ ra, sau lệnh cấm xuất khẩu nhiên liệu của Nga nhằm nỗ lực đáp ứng nguồn cung thiếu hụt.
Ngày 21/9, chính phủ Nga thông báo đã tạm thời cấm xuất khẩu xăng và dầu diesel đến tất cả các quốc gia, ngoại trừ 4 nước thuộc Liên Xô cũ. Nhằm ổn định thị trường nhiên liệu nội địa, lệnh cấm này có hiệu lực ngay lập tức.
Tình trạng thiếu xăng và dầu diesel trong vài tháng gần đây khiến giá bán buôn các sản phẩm này ở Nga tăng vọt, mặc dù giá bán lẻ được áp trần để tương thích với tỷ lệ lạm phát.
Thị trường nhiên liệu tại Nga đã bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, điển hình là công tác bảo trì tại các nhà máy lọc dầu, tình trạng tắc nghẽn đường sắt và sự suy yếu của đồng Rúp. Sự thiếu hụt nguồn cung buộc người mua nhiên liệu của Nga phải tìm kiếm nguồn cung ứng xăng và dầu diesel mới, khiến giá dầu sưởi tương lai tăng gần 5% ngay trong phiên giao dịch cùng ngày.
Đầu tháng 9, Saudi Arabia và Nga đã gia hạn kế hoạch cắt giảm nguồn cung tổng cộng 1,3 triệu thùng/ngày đến hết năm 2023. Quyết định của 2 nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới đã khiến giá dầu tăng vọt. Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu bị hạn chế do chính sách tiền tệ và tài khoá của Mỹ.
Khi quyết định giữ nguyên lãi suất nhưng củng cố lập trường "diều hâu", Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã không gây bất ngờ với việc có thể sẽ tăng lãi suất một lần nữa trong năm nay và sẽ duy trì lãi suất cao trong thời gian lâu hơn trước khi cắt giảm. Điều này sẽ tạo ra rủi ro cho nền kinh tế và khiến nhu cầu dầu mỏ giảm sút.