Trên sàn New York Mercantile Exchange, sáng 24/1 (theo giờ Việt Nam), giá dầu WTI giao tháng 2 giảm 39 cent, tương đương 0,5%, xuống mức 74,37 USD/thùng. Còn Brent kỳ hạn giảm 51 cent, tương đương 0,6%, xuống mức 79,55 USD/thùng.
Các chuyên gia cho biết, kết thúc phiên giao dịch ngày 23/1, giá dầu lao dốc nhẹ khi các nhà giao dịch tập trung vào việc phục hồi sản lượng dầu thô ở một số vùng của Mỹ, cùng với nguồn cung tăng ở Libya và Na Uy, thay vì rủi ro về nguồn cung do xung đột ở châu Âu và Trung Đông gây ra.
Tại North Dakota, bang sản xuất dầu lớn thứ ba của Mỹ, một phần sản lượng dầu đã được khôi phục. Tuy nhiên, sản lượng vẫn giảm tới 300.000 thùng/ngày. Nhu cầu xăng dầu của Mỹ suy yếu kéo dài cũng ảnh hưởng đến giá dầu.
Số liệu từ Viện Dầu khí Mỹ cho thấy, tuần trước trong khi tồn kho dầu thô của Mỹ giảm sốc 6,67 triệu thùng thì tồn kho xăng lại tăng 7,2 triệu thùng. Cũng gây áp lực lên giá là sự tăng sản lượng ở một số quốc gia trên thế giới.
Theo Tổng cục Ngoài khơi Na Uy (NOD), sản lượng dầu thô của Na Uy đã tăng lên 1,85 triệu thùng/ngày trong tháng 12/2023, tăng vượt dự báo 1,81 triệu thùng/ngày của các nhà phân tích.
Tại Libya, hoạt động sản xuất tại mỏ dầu Sharara có công suất 300.000 thùng/ngày đã khởi động trở lại từ ngày 21/1 sau khi các cuộc biểu tình từ đầu tháng kết thúc. Hạn chế đà giảm của giá dầu là sự không chắc chắn về tình hình địa chính trị.
Giá dầu đã bất ngờ tăng khoảng 2% trong phiên giao dịch ngày 22/1 sau khi cảng xuất khẩu nhiên liệu Ust-Luga Baltic của Novatek gần thành phố lớn thứ hai của Nga - St Petersburg bị cháy và buộc phải dừng hoạt động, làm dấy lên lo ngại về nguồn cung.
Tại Trung Đông, căng thẳng gia tăng sau khi lực lượng Mỹ và Anh thực hiện đợt tấn công chung thứ hai vào các vị trí của Houthi ở Yemen.