Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá xăng dầu hôm nay 21/1: Lấy lại đà tăng

Nguyên Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Khép lại tuần giao dịch với 2 phiên giảm, 2 phiên trái chiều và 1 phiên tăng mạnh, giá xăng dầu đã lấy lại đà tăng sau cú lao dốc nhẹ ở tuần trước. Brent tăng khoảng 0,5%, WTI tăng hơn 1%,

Các chuyên gia cho biết, giá dầu bắt đầu tuần bằng phiên lao dốc nhẹ chưa đến 20 cent do tác động hạn chế của cuộc xung đột ở Trung Đông đối với sản lượng dầu thô đã thúc đẩy hoạt động chốt lời của các nhà đầu tư.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đến phiên giao dịch thứ 2 của tuần, giá dầu Brent và WTI trái chiều với Brent tăng nhẹ, WTI giảm nhẹ, chịu áp lực bởi đồng USD tăng nhưng được hỗ trợ bởi lo ngại căng thẳng leo thang ở Trung Đông có thể tác động mạnh đến nguồn cung.

Đồng bạc xanh của Mỹ đã chạm mức cao nhất trong một tháng khi các nhà đầu tư giảm bớt kỳ vọng về việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 3 tới.

Thummel của Tortoise Capital cảnh báo, căng thẳng ở Trung Đông gia tăng nên phí bảo hiểm rủi ro địa chính trị của giá dầu cũng sẽ tăng. Thế trái chiều tiếp tục được duy trì sang phiên giao dịch thứ 3 của tuần nhưng vị thế đã bị đảo ngược với dầu Brent giảm chưa đến 40 cent, dầu WTI tăng khiêm tốn 16 cent.

Sự biến động nhẹ của giá dầu trong phiên này chịu tác động bởi đợt lạnh khắc nghiệt tại Bắc Dakota, bang sản xuất dầu lớn thứ ba nước Mỹ, làm gián đoạn một số hoạt động sản xuất dầu của xứ sở cờ hoa bù đắp cho mức tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc không như kỳ vọng của các nhà phân tích làm dấy lên lo ngại về nhu cầu năng lượng.

Dầu Brent và WTI đã phá vỡ thế trái chiều ở phiên giao dịch thứ 4 của tuần bằng cú bật tăng gần 2% sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và OPEC dự báo nhu cầu dầu toàn cầu tăng trưởng mạnh, sản lượng dầu thô của Mỹ bị gián đoạn do thời tiết mùa đông lạnh giá trong khi tồn kho dầu thô của Mỹ giảm mạnh.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, trong tuần kết thúc vào ngày 12/1, tồn kho dầu thô của Mỹ giảm 2,5 triệu thùng. Tuy nhiên, tồn kho xăng tăng 3,1 triệu thùng; tồn kho sản phẩm chưng cất tăng 2,4 triệu thùng.

Reuters cho biết, IEA đã nâng dự báo nhu cầu toàn cầu năm 2024 thêm 180.000 thùng/ngày lên 1,25 triệu thùng/ngày. Nhưng mức dự báo này cũng chỉ xấp xỉ một nửa dự báo của OPEC (2,25 triệu thùng/ngày). Đà leo dốc của hai mặt hàng dầu chuẩn đã không thể kéo sang phiên thứ hai. Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tuần, giá dầu đã giảm chưa đến 1%.

Với 2 phiên giảm, 2 phiên trái chiều và 1 phiên tăng mạnh, giá dầu tuần này đã ghi nhận tuần tăng giá với dầu Brent tăng khoảng 0,5%, dầu WTI tăng hơn 1%.

Như vậy là trong 3 tuần đầu tiên của năm 2024, giá dầu đã tăng, giảm xen kẽ với 2 tuần tăng và 1 tuần giảm. Giá dầu vẫn chịu tác động mạnh bởi diễn biến ở khu vực Trung Đông, thời tiết khắc nghiệt và tồn kho xăng dầu ở Mỹ, tình hình khai thác dầu ở Libya, dự báo tăng trưởng dầu trong năm 2024 và các số liệu kinh tế ở Trung Quốc.