Kết thúc phiên giao dịch ngày 24/5, giá dầu tăng khoảng 1%. Cú tăng bất ngờ này của giá dầu chưa đủ mạnh để bù đắp cho 4 phiên giảm liên tiếp trước đó.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 7 tăng 76 cent lên mức 82,12 USD/thùng. Hợp đồng tháng 8 tăng 73 cent lên mức 81,84 USD/thùng. Giá dầu WTI của Mỹ tăng 85 cent, tương đương 1,1%, lên mức 77,72 USD/thùng. Tính cả tuần, giá dầu Brent giảm 2,1%, giá dầu WTI giảm 2,8%.
Trong phiên giao dịch ngày 23/5, giá dầu Brent đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ ngày 7/2 và giá dầu WTI kết thúc phiên ở mức thấp nhất kể từ ngày 23/2.
Nhà phân tích năng lượng độc lập Tim Evans nhận định, những lo lắng về chính sách lãi suất của Fed và sự gia tăng tồn kho dầu thô của Mỹ vào tuần trước đã đè nặng lên tâm lý thị trường.
Biên bản cuộc họp chính sách mới nhất của Fed cho thấy, các nhà hoạch định chính sách đặt câu hỏi liệu lãi suất có đủ cao để chế ngự lạm phát hay không. Một số quan chức sẵn sàng tăng chi phí đi vay nếu lạm phát tăng cao.
Trong khi đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell và các nhà hoạch định chính sách khác cho biết họ cảm thấy khó có khả năng tăng lãi suất thêm nữa.
Trong một lưu ý, các nhà phân tích tại Morgan Stanley nhấn mạnh nhu cầu dầu vẫn mạnh mẽ nhìn từ góc độ rộng hơn, và cho biết họ kỳ vọng tổng mức tiêu thụ dầu sẽ tăng khoảng 1,5 triệu thùng/ngày trong năm nay.
Các nhà phân tích cho biết nhu cầu xăng yếu ở Mỹ đã được bù đắp bởi nhu cầu toàn cầu.
Về phía cung, công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho biết số giàn khoan dầu, một chỉ số sớm của sản lượng tương lai, không thay đổi, duy trì ở mức 497.
Trong khi đó, thị trường đang chờ cuộc họp trực tuyến vào ngày 2/6 (muộn hơn 1 ngày so với dự kiến là 1/6) của OPEC+ để biết liệu tổ chức này có gia hạn mức cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày hay không.
Các nhà phân tích dự đoán việc cắt giảm sản lượng hiện tại sẽ được kéo dài ít nhất đến cuối tháng 9.