Chốt phiên giao dịch cuối tuần, trên sàn New York Mercantile Exchange, sáng 29/10 (theo giờ Việt Nam), giá dầu WTI của Mỹ giao tháng 12 là 85,16 USD/thùng, tăng 2,8% (tương đương tăng 2,33 USD).. Còn dầu Brent tương lai tháng 12 là 90,44 USD/thùng, tăng 2,9% (tương đương tăng 2,55USD).
Các chuyên gia cho biết, giá dầu tuần này vẫn tiếp tục chịu tác động bởi diễn biến xung đột Israel - Hamas và nguy cơ xung đột lan rộng ra khắp Trung Đông; dự trữ dầu của Mỹ bất ngờ tăng và mối lo ngại về tăng trưởng toàn cầu.
Bước vào phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu đã giảm hơn 2% khi các nỗ lực ngoại giao ở Trung Đông được tăng cường nhằm ngăn cuộc xung đột Israel - Hamas leo thang, làm giảm bớt lo ngại của nhà đầu tư về khả năng gián đoạn nguồn cung.
Dữ liệu kinh tế yếu từ khu vực đồng euro và Anh ảnh hưởng đến triển vọng nhu cầu năng lượng đã đẩy giá dầu giảm thêm khoảng 2% ở phiên giao dịch thứ hai của tuần. Dữ liệu PMI của châu Âu cho thấy sự mong manh tiếp tục diễn ra trong cả lĩnh vực sản xuất và dịch vụ.
Trong tháng 10, PMI đã giảm xuống 46,5 từ mức 47,2 của tháng 9 và là mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020. Lo ngại xung đột Israel - Hamas lan rộng ra khắp Trung Đông đã hỗ trợ giá dầu leo dốc khoảng 2% ở phiên giao dịch thứ ba của tuần. Kìm đà tăng của giá dầu là số liệu về tồn kho dầu thô tăng của Mỹ và triển vọng kinh tế ảm đạm ở châu Âu.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, tồn kho dầu thô của Mỹ đã tăng 1,4 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 20/10 lên 421,1 triệu thùng, gấp 6 lần so với mức dự đoán của các nhà phân tích. Tại phiên giao dịch thứ tư của tuần, giá dầu giảm hơn 2 USD bởi lo ngại về một cuộc xung đột rộng hơn ở Trung Đông “hạ nhiệt” sau khi Israel đồng ý trì hoãn cuộc tấn công trên bộ dự kiến vào Gaza cho đến ít nhất là cuối tuần này, trong khi đó nhu cầu của Mỹ có dấu hiệu suy yếu sau sự tăng trong tồn kho dầu.
Dữ liệu trong ngày cho thấy nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong gần hai năm trong quý III, làm tăng kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ giữ lãi suất ở mức cao lâu hơn.
Tuy nhiên, lo ngại xung đột ở Trung Đông sẽ leo thang, thậm chí vượt ra ngoài khu vực, gây gián đoạn nguồn cung dầu thô toàn cầu đã đẩy giá dầu tăng vọt khoảng 3% ở phiên giao dịch cuối cùng của tuần, lên mức cao nhất trong một tuần.
Song tính cả tuần, hai phiên tăng không đủ để bù lại sự trượt dốc của giá dầu ở ba phiên còn lại. Vì vậy, giá dầu tuần này đã chính thức ghi nhận tuần giảm giá, cắt đứt chuỗi tăng giá liên tiếp hai tuần trước đó.
Tuần này, giá dầu Brent giảm khoảng 2%. Mức giảm của dầu WTI gần gấp đôi mức giảm của dầu Brent. Cuối tuần, Israel tiếp tục mở rộng các cuộc không kích và tấn công trên bộ vào vùng lãnh thổ do Hamas kiểm soát.
Điều này có thể gây gián đoạn trong xuất khẩu từ các nhà sản xuất dầu thô lớn trong khu vực, kéo theo giá dầu sẽ tiếp tục bị đẩy lên cao trong thời gian tới nếu thỏa thuận ngừng bắn không đạt được.