Giá xăng dầu hôm nay 3/8: rời xa mốc 80 USD/thùng

Nguyên Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dữ liệu việc làm của Mỹ và dữ liệu kinh tế của Trung Quốc đẩy giá xăng dầu thế giới trượt xa khỏi mốc 80 USD/thùng.

Trên sàn New York Mercantile Exchange, sáng 3/8 (giờ Việt Nam), giá dầu WTI giảm 2,79 USD, tương đương 3,66%, xuống mức 73,52 USD/thùng. Còn Brent giảm 2,71 USD, tương đương 3,41%, xuống mức 76,81 USD/thùng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Các chuyên gia cho biết, kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tuần 2/8, giá dầu trượt dốc gần 4%, đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ tháng 1 sau dữ liệu việc làm của Mỹ và dữ liệu kinh tế của Trung Quốc.

Đáng chú ý trong phiên, có thời điểm, cả dầu Brent và WTI cùng giảm hơn 3 USD.

Reuters trích báo cáo của Cục Thống kê Lao động của Bộ Lao động Mỹ cho biết, bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ trong tháng 7 đã tăng 114.000 việc làm, thấp hơn nhiều so với mức 215.000 việc làm/tháng được thêm vào trong 12 tháng qua và mức 200.000 việc làm mà các nhà kinh tế cho là cần thiết để theo kịp tốc độ tăng trưởng dân số. Cùng với tăng trưởng việc làm tại Mỹ chậm hơn dự kiến, tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng lên 4,3% làm gia tăng lo ngại về khả năng suy thoái.

Nhận xét về sự quay đầu lao dốc của giá dầu, Nhà kinh tế trưởng tại Matador Economics Tim Snyder cho biết, đó là do sự dịch chuyển đánh giá từ địa chính trị sang dữ liệu kinh tế.

Ngoài ra, dữ liệu kinh tế từ Trung Quốc (quốc gia nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới) và kết quả các cuộc khảo sát cho thấy, hoạt động sản xuất yếu hơn trên khắp châu Á, châu Âu và Mỹ đã làm tăng nguy cơ kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, ảnh hưởng đến mức tiêu thụ dầu.

Hoạt động sản xuất suy giảm tại Trung Quốc kìm hãm giá, làm gia tăng lo ngại về tăng trưởng nhu cầu sau khi dữ liệu tháng 6 cho thấy hoạt động nhập khẩu và lọc dầu thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, sản lượng dầu của OPEC đã tăng trong tháng 7 do nguồn cung của Saudi Arabia phục hồi và mức tăng nhỏ ở những nơi khác đã bù đắp cho tác động của việc cắt giảm nguồn cung tự nguyện của một số thành viên của OPEC+.

Theo cuộc khảo sát dựa trên dữ liệu vận chuyển và thông tin từ các nguồn trong ngành, trong tháng 7, OPEC đã bơm 26,70 triệu thùng/ngày, tăng 100.000 thùng/ngày so với tháng 6.

Cuộc họp của OPEC+ ngày 1/8 đã kết thúc với chính sách sản lượng dầu của nhóm được giữ nguyên, bao gồm kế hoạch bắt đầu dỡ bỏ mức cắt giảm sản lượng từ tháng 10.

Các nhà đầu tư dầu vẫn đang dõi theo diễn biến xung đột ở Trung Đông. Tuy nhiên, các nhà phân tích lưu ý không có sự gián đoạn đáng kể nào đối với nguồn cung dầu từ khu vực này. Dù giá giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều tuần sau vụ sát hại các nhà lãnh đạo cấp cao của Hamas và Hezbollah làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến tranh toàn diện.