Giá xăng dầu hôm nay 8/10: Tiếp đà giảm mạnh

Nguyên Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kéo dài đà giảm của phiên giao dịch cuối cùng của tuần trước, giá dầu tuần này đã “lao dốc không phanh” với giá dầu Brent giảm khoảng 11% xuống mức 84,58 USD/thùng, giá dầu WTI của Mỹ giảm hơn 8% xuống mức 82,79 USD/thùng.

Các chuyên gia cho biết, giá dầu liên tục trượt dốc bởi lo ngại về nhu cầu yếu ngày một gia tăng, nhất là sau khi Nga dỡ bỏ một phần lệnh cấm xuất khẩu nhiên liệu; sự tăng mạnh của đồng USD và dự trữ xăng của Mỹ tăng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Phiên giao dịch đầu tiên của tuần kết thúc bằng sự sụt giảm giá dầu khoảng 2% xuống mức thấp nhất trong 3 tuần do hợp đồng dầu Brent tháng 11 đã hết hạn; đồng USD Mỹ mạnh lên, các nhà giao dịch chốt lãi, lo ngại về nguồn cung dầu thô và áp lực lên nhu cầu bởi lãi suất cao.

Sang phiên giao dịch thứ hai của tuần, giá dầu đã có thời điểm trượt khỏi mốc 90 USD/thùng và “bừng tỉnh”, lấy lại được những mất mát đầu phiên, đồng thời ghi nhận mức tăng nhẹ chưa đến 50 cent.

Giá dầu biến động giảm trong phiên bởi đồng USD chạm mức cao nhất trong 10 tháng so với rổ tiền tệ và dữ liệu về cơ hội việc làm của Mỹ cho thấy, thị trường lao động vẫn thắt chặt có thể buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất vào tháng tới.

Tuy nhiên, lo ngại nguồn cung vẫn tiếp tục thắt chặt bởi OPEC+ nhiều khả năng sẽ giữ nguyên chính sách sản lượng đã giúp giá dầu lấy lại đà leo dốc về cuối phiên. Nhu cầu nhiên liệu sụt giảm và bức tranh kinh tế vĩ mô ảm đạm hơn đã đẩy giá dầu giảm hơn 5 USD trong phiên giao dịch thứ ba của tuần. Cùng với sự sụt giảm “khủng” của hai mặt hàng dầu tiêu chuẩn Brent và WTI, trong phiên này, giá dầu sưởi và xăng tương lai cũng giảm hơn 5%.

Báo cáo từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy, lượng xăng thành phẩm được cung cấp cho động cơ, đại diện cho nhu cầu, đã giảm trong tuần trước xuống khoảng 8 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất kể từ đầu năm nay.

Cũng theo EIA, dự trữ xăng của Mỹ đã tăng 6,5 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 29.9; dự trữ dầu thô tiếp tục giảm 2,2 triệu thùng xuống 414,1 triệu thùng. Đà giảm của giá dầu đã kéo sang phiên giao dịch thứ tư của tuần dù đầu phiên giá dầu đã có lúc tăng nhẹ.

Lo ngại về nhu cầu nhiên liệu đã lấn át quyết định của OPEC+ về việc duy trì cắt giảm sản lượng dầu, giữ nguồn cung thắt chặt đã hỗ trợ giá dầu trượt dài thêm khoảng 2%.

Trong tuần, giá dầu đã giảm mạnh 3 phiên, chính thức ghi nhận tuần giảm “khủng” sau một quý tăng khủng gần 30%. Tuần đầu tiên của quý IV đã được đánh dấu “đỏ” (giá dầu giảm), báo hiệu một quý đầy biến động.