Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá xăng dầu ngày 22/1: Tuần tăng thứ 2 do Trung Quốc phục hồi nhu cầu

Nguyên Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự lạc quan về nhu cầu phục hồi tại Trung Quốc đẩy xăng dầu có thêm 1 tuần tăng giá. Giá dầu Brent tiến sát mức 88 USD/thùng.

Các chuyên gia chỉ ra, trong 5 phiên giao dịch của tuần, giá dầu đã tăng 3 phiên và giảm 2 phiên. Giá dầu tăng, giảm theo dự báo thị trường của OPEC và Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), khả năng suy thoái kinh tế của Mỹ và triển vọng phục hồi nhu cầu tại Trung Quốc – quốc gia nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong tuần, giá dầu Brent ghi nhận mức tăng 2,8%, giá dầu WTI tăng 1,8%. Cả hai mặt hàng dầu tiêu chuẩn này đã đánh dấu mức tăng hàng tuần thứ hai liên tiếp.

Giá dầu bắt đầu tuần bằng một phiên giao dịch giảm hơn 1 USD khi các nhà giao dịch chốt lời từ đợt tăng mạnh của tuần trước. Mặc dù lao dốc nhưng giá của cả dầu Brent và WTI đều giữ gần mức cao nhất trong tháng này do việc nới lỏng các hạn chế dịch Covid-19 ở Trung Quốc làm tăng hy vọng phục hồi nhu cầu tại quốc gia Đông Á này.

Trong phiên giao dịch kế tiếp, giá dầu đã đảo chiều với dầu WTI tăng nhẹ, dầu Brent tăng gần 2%. Sự leo dốc này chịu tác động bởi dữ liệu tăng trưởng kinh tế hàng năm yếu của Trung Quốc nhưng vẫn vượt kỳ vọng. Năm 2022, tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc tăng 3%, thấp hơn so với mục tiêu (khoảng 5,5%).

Tuy nhiên, dữ liệu này vẫn cao hơn so với dự báo của các nhà phân tích sau khi Trung Quốc gỡ bỏ chính sách không Covid-19 vào tháng 12/2022. Đà leo dốc của giá dầu đã dừng lại ở phiên giao dịch thứ 3 của tuần. Giá dầu giảm khoảng 1% do lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế ở Mỹ lấn át sự lạc quan về việc Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp kiềm chế dịch Covid-19 sẽ thúc đẩy nhu cầu dầu thô.

Người dân đổ xăng tại Hà Nội. Ảnh minh họa
Người dân đổ xăng tại Hà Nội. Ảnh minh họa

Trong hai phiên cuối cùng của tuần, giá dầu đã tăng thêm hơn 2%.

Cụ thể, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 21/1 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 2/2023 đứng ở mức 81,40 USD/thùng, tăng 1,07 USD trong phiên.

Còn giá dầu Brent giao tháng 3/2023 đứng ở mức 87,61 USD/thùng, tăng 1,45 USD trong phiên.

Các báo cáo cho biết số ca mắc Covid-19 của Trung Quốc đã đạt đến đỉnh điểm càng làm tăng thêm sự lạc quan rằng, nhu cầu sẽ bắt đầu phục hồi bền vững hơn ở nước này.

Số liệu mới về nhu cầu của Trung Quốc cho thấy, nước này đã tăng gần 1 triệu thùng/ngày trong tháng 11/2022 lên 15,41 triệu thùng/ngày - mức cao nhất kể từ tháng 2/2022, báo hiệu sự gia tăng nhu cầu trong năm nay.

Nếu nhu cầu tăng mạnh này của Trung Quốc thành hiện thực, sẽ khiến nguồn cung của thị trường dầu mỏ bị thắt chặt, tạo thêm tiềm năng tăng giá.

Cũng trong tuần OPEC cho biết, nhu cầu dầu của Trung Quốc sẽ tăng trở lại trong năm nay do việc nới lỏng các biện pháp kiềm chế dịch Covid-19 sẽ thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cũng cho biết, việc Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế dịch Covid-19 sẽ đưa nhu cầu toàn cầu lên mức cao kỷ lục trong năm nay.

Trong tuần, dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy các kho dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước tăng 8,4 triệu thùng, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 6/2021.

Ngoài yếu tố hỗ trợ giá dầu tăng đến từ Trung Quốc, kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm chuyển sang các đợt tăng lãi suất nhỏ hơn cũng đẩy giá dầu leo dốc. Do đó, nhiều khả năng, chuỗi tăng giá này của dầu sẽ tiếp tục kéo dài sang tuần sau. Nếu như vậy, dầu sẽ xác lập hat-trick tăng giá đầu tiên trong năm 2023.