Giá xăng dầu sẽ tiếp tục giảm mạnh lần thứ 3 liên tiếp

Hoàng Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong kỳ điều chỉnh ngày 21/9/2022, Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) vừa đưa ra dự báo về giá xăng dầu trong nước tiếp tục giảm mạnh lần thứ 3 liên tiếp.

Diễn biến và dự báo giá xăng E5RON92. (Nguồn: VPI, 9/2022).
Diễn biến và dự báo giá xăng E5RON92. (Nguồn: VPI, 9/2022).

Theo đó, giá các loại dầu có thể giảm khoảng 2.000 đồng/lít, với dầu diesel có thể giảm xuống 21.878 đồng/lít; dầu hỏa có thể giảm còn 21.811 đồng/lít, riêng dầu mazut dự báo giảm nhẹ 779 đồng xuống 14.260 đồng/kg. Mô hình cũng dự báo có thể trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong khoảng 400 - 700 đồng tùy mặt hàng.

Hiện giá bán lẻ xăng dầu trong nước như sau: Xăng E5RON92 không quá 22.231 đồng/lít; xăng RON95 không quá 23.215 đồng/lít; dầu diesel không quá 24.180 đồng/lít; dầu hỏa không quá 24.418 đồng/lít và dầu mazut không quá 15.039 đồng/kg.

Tại thị trường châu Á, giá xăng dầu có xu hướng giảm do từ ngày 11/9/2022 khi Trung Quốc bổ sung thêm 1,5 triệu tấn hạn ngạch xuất khẩu xăng, gasoil và nhiên liệu máy bay.

Diễn biến và dự báo giá xăng RON95 (Nguồn: VPI, 9/2022).
Diễn biến và dự báo giá xăng RON95 (Nguồn: VPI, 9/2022).

Dữ liệu Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy, khối lượng xuất khẩu xăng trong tháng 8/2022 của Trung Quốc đạt 1,12 triệu tấn, tăng 97,4% so với cùng kỳ năm ngoái do các Nhà máy Lọc dầu tận dụng hạn ngạch xuất khẩu mới trong bối cảnh nhu cầu trong nước giảm. Khối lượng xuất khẩu dầu diesel trong tháng 8/2022 đạt mức 830.000 tấn, tăng 51,8% so với cùng kỳ năm trước, nhờ lợi nhuận lọc dầu diesel tốt.

Còn tại Singapore, trung tâm trung sản xuất trung chuyển xăng dầu của châu Á và khu vực giao dịch lớn, xuất khẩu xăng của nước này tăng 108,10% so với tuần trước lên 599.520 tấn trong tuần ngày 8 - 14/9/2022.

Người tiêu dùng nua xăng tại cây xăng Nam Đồng. Ảnh: Hoàng Anh
Người tiêu dùng nua xăng tại cây xăng Nam Đồng. Ảnh: Hoàng Anh

Theo dữ liệu ngày 16/9/2022, giá xăng RON92 và RON95 nhập khẩu từ Singapore về Việt Nam giảm mạnh lần lượt 11,74 USD/thùng và 12,14 USD/thùng so với kỳ điều chỉnh trước (12/9/2022) về mức 87,83 USD/thùng và 91,85 USD/thùng.

Trước diễn biến ảm đạm của thị trường dầu khí và năng lượng, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhận định tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ chững lại trong quý IV/2022; dự báo chỉ tăng 2 triệu thùng/ngày vào năm 2022 và 2,1 triệu thùng/ngày vào năm 2023. Nguyên nhân chủ yếu là do tăng trưởng kinh tế của các nước OECD chậm lại, nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc giảm mạnh.

Trong khi đó, nguồn cung dầu toàn cầu được IEA dự báo sẽ tăng 4,8 triệu thùng/ngày lên 100,1 triệu thùng/ngày trong năm 2022 và tiếp tục tăng 1,7 triệu thùng/ngày lên 101,8 triệu thùng/ngày vào năm 2023. Mặt khác, chốt phiên giao dịch ngày 19/9/2022, giá dầu Brent và WTI giao tháng 10/2022 có xu hướng giảm nhẹ so kỳ điều chỉnh trước (12/9/2022) xuống còn 89,96 USD/thùng và 84,04 USD/thùng.