Tham vọng táo bạo
Nhiều người nhận xét, nghệ sĩ Linh Huyền, tác giả kịch bản chương trình "Hồn Việt" liều lĩnh khi quyết định đưa nghệ thuật truyền thống biểu diễn thường kỳ tại 2 nhà hát sang trọng nhất TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Bởi từ lâu, nghệ thuật truyền thống như: Hát xẩm, hát văn, nhã nhạc cung đình, quan họ... như chỉ để diễn ở chợ Đồng Xuân, một số chương trình mang tính kỳ cuộc, lễ hội, rất khó để bán vé thường xuyên. Hơn nữa, trong bối cảnh kinh tế như 2 năm trở lại đây, ngay cả các chương trình nhạc nhẹ với những cái tên "hot" cũng chật vật với khâu bán vé, chứ chưa nói đến "Hồn Việt".
Thế nên dễ hiểu vì sao, khi những tinh hoa của các bộ môn nghệ thuật dân tộc, từ hát xẩm, hát văn, nhã nhạc cung đình, quan họ... đến cải lương; từ những âm thanh rộn ràng ngày hội múa sạp các dân tộc miền núi phía Bắc đến tiếng tù và, đàn đá và cồng chiêng đậm chất Tây Nguyên; từ những tiết mục võ thuật thể hiện lịch sử Hai Bà Trưng đến những tiết mục thể hiện cuộc sống đương đại… trong "Hồn Việt", chỉ "gọi" được già nửa số lượng người đến với Nhà hát Lớn trong đêm diễn đầu tiên tại Hà Nội (1/7). Và dù chương trình lên kế hoạch diễn vào thứ Hai hàng tuần đã lâu, song theo BTC, đến giờ này, số vé bán ra trong đêm diễn nối tiếp cũng mới ở con số hàng chục.
Nghệ sĩ Linh Huyền (giữa) hát xẩm chợ Mục hạ vô nhân trong chương trình “Hồn Việt” tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Ảnh: Đức Triết
Thực tế, gần 2 năm nay "Hồn Việt" đã trở thành chương trình quen thuộc vào ngày 15 và 23 hàng tháng tại TP Hồ Chí Minh. Chương trình được đầu tư lên đến tiền tỷ, nhưng đến giờ nghệ sĩ Linh Huyền vẫn chưa thu được vốn. Buổi diễn đông nhất được 300 khách, buổi ít chỉ khoảng 100 khách. Chính vì vậy, người phụ nữ "đứng mũi chịu sào" cho chương trình này tự an ủi: "Đầu tư cho văn hóa thì khó mà tính chuyện lỗ, lãi. Nó giống như chuyện mình bỏ muối vào biển nên không sợ mất. Ngày nào đó muốn lấy lại chỉ việc cho nước bay hơi". Hiện, nghệ sĩ Linh Huyền còn đang nuôi tham vọng sẽ đưa "Hồn Việt" đi diễn ở các nước trong khu vực trong năm 2014.
Đứng được phải chờ
Những người làm nghề chắc chắn chưa quên, cách đây 4 năm, bà Hoài Oanh - Phó Giám đốc Công ty Nghệ thuật Đông Đô nung nấu ý tưởng tạo sàn diễn thường niên cho nghệ thuật rối nước, hát văn, hát xẩm... Một bà "bầu" đầy quyền lực của giới showbiz với rất nhiều mối quan hệ với các công ty lữ hành du lịch đã lăn lộn, thử nghiệm, tìm điểm diễn để thực hiện ý tưởng này. Song, sau rất nhiều thời gian bỏ công sức, bà Oanh gần như "đầu hàng" vì "không thể diễn thành công".
Gần đây nhất, tham vọng xây dựng một địa điểm "dừng chân" định kỳ cho du khách khi đến Thủ đô của Câu lạc bộ (CLB) ca trù Thăng Long tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cũng "phá sản". Nghệ sĩ Bạch Vân, chủ nhiệm CLB ca trù Thăng Long đã chuẩn bị rất kỹ cho buổi ra mắt và các buổi diễn ca trù tại đây. Bà cũng nhận được sự hỗ trợ rất lớn của Bảo tàng Lịch sử, song hoạt động biểu diễn duy trì chưa được một năm đành phải đóng cửa, vì "trong nhà của Bạch Vân không còn gì có thể bán được để bù lỗ". Hiện nay, điểm hẹn văn hóa truyền thống duy nhất của Hà Nội là các buổi biểu diễn ca trù của CLB ca trù Hà Nội tại đình Kim Ngân. Song, chương trình cũng không thể cố định dù phục vụ lượng công chúng rất khiêm tốn.
Vì vậy, chẳng ai dám khẳng định "Hồn Việt" sẽ trụ được lâu dài ở đất Thủ đô cũng như các miền đất khác. Bởi, chắc chắn không ai đủ điều kiện để đầu tư vào chương trình diễn và chỉ lỗ. Song, ai cũng mong muốn những dự án tổ chức vì mục đích ý nghĩa, giới thiệu văn hóa truyền thống Việt Nam đến du khách quốc tế và những người yêu nghệ thuật truyền thống có thể đi con đường dài trong đời sống nghệ thuật biểu diễn.