Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giấc mơ “mở cửa bầu trời” đang dần thành hiện thực

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không lâu sau khi các đường bay nội địa được khôi phục, kế hoạch nối lại đường bay quốc tế đã được nhắc đến với những tín hiệu khả quan. “Cánh cửa bầu trời” đang dần được hé mở.

 Các hãng hàng không Việt Nam đã sẵn sàng quay trở lại phục vụ khách. Ảnh: Lê Thanh.

Lên kế hoạch “mở cửa bầu trời”

Cục Hàng không Việt Nam vừa trình Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề xuất kế hoạch tái khởi động các chuyến bay quốc tế thường lệ theo 4 giai  đoạn. Theo bản kế hoạch trên, việc mở lại hoạt động bay quốc tế có chở khách vào Việt Nam sẽ được thực hiện thành 4 giai đoạn.

Trong đó, giai đoạn 1 sẽ thực hiện ngay trong quý IV/2021. Đối tượng là công dân Việt Nam song song với việc tổ chức chuyến bay thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến một số địa phương (Phú Quốc, Khánh Hòa, Quảng Ninh...).

Giai đoạn 2, thực hiện từ tháng 1/2022: Thí điểm các chuyến bay thường lệ chỉ chở khách có giấy chứng nhận đã tiêm đủ liều vaccine Covid-19 hoặc có xác nhận khỏi bệnh Covid-19 vào Việt Nam.

Thị trường ban đầu là các đường bay giữa Việt Nam với Trung Quốc, Hong Kong, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Pháp, Đức, Nga, Úc và các thị trường không nằm trong khuyến cáo hạn chế nhập cảnh theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.

Giai đoạn 3, dự kiến từ tháng 4/2022, tùy thuộc vào tiến trình tiêm vaccine tại Việt Nam và đánh giá về tính miễn dịch cộng đồng sau khi tiêm vaccine đại trà sẽ triển khai các chuyến bay thường lệ chở khách vào Việt Nam không yêu cầu cách ly sau nhập cảnh khi áp dụng cơ chế “hộ chiếu vaccine”.

Giai đoạn này hành khách là công dân Việt Nam và nước ngoài có giấy chứng nhận đã tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 hoặc có xác nhận khỏi bệnh Covid-19. Thị trường sẽ theo nhu cầu của các hãng hàng không với tần suất ban đầu 7 chuyến/tuần/chiều cho mỗi hãng hàng không.

Giai đoạn 4 dự kiến thực hiện từ tháng 7/2022 tùy theo tiến trình tiêm vắc xin tại Việt Nam và tình hình miễn dịch cộng đồng. Khai thác chuyến bay quốc tế thường lệ theo nhu cầu với công dân Việt Nam và nước ngoài đáp ứng các yêu cầu của cơ quan y tế Việt Nam tại thời điểm đó.

Nhìn vào bản kế hoạch mở lại đường bay quốc tế thường lệ của Cục Hàng không Việt Nam có thể thấy đây là kế hoạch được xây dựng chi tiết và toàn diện. Mặc dù kế hoạch “mở cửa bầu trời” theo đề xuất sẽ triển khai ngay trong quý IV/2021 này nhưng việc nối lại các đường bay quốc tế thường lệ sẽ chỉ thật sự được bắt đầu từ tháng 7/2022.

Từ giờ cho đến tháng 7/2022 còn khoảng 9 tháng nữa, các chuyên gia cho rằng, từng đó thời gian là đủ để cho ngành hàng không cũng như cơ quan liên quan có sự chuẩn bị đầy đủ và chu đáo nhất cho việc “mở cửa bầu trời”.

 ''Mở cửa bầu trời'' cần tiến hành từng bước để đảm bảo an toàn. Ảnh: Phi Long.
Cần thực hiện từng bước để đảm bảo an toàn

TS Trần Quang Châu - Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam cho biết, trong thời gian qua, các hãng hàng không trong nước đã có nhiều kinh nghiệm trong việc thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Đây là những kinh nghiệm hết sức quý báu để các hãng hàng không Việt Nam có thể có sự chuẩn bị tốt nhất cho ngày trở lại, đặc biệt là cho việc “mở cửa bầu trời” – điều mà hàng không Việt Nam luôn mong chờ từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện.

Theo TS Trần Quang Châu, sau một thời gian dài phải dừng đường bay quốc tế vì ảnh hưởng của dịch bệnh, thời điểm này khi bắt đầu mở cửa trở lại, hàng không Việt Nam sẽ gần như có sự khởi đầu mới hoàn toàn và với “tấm áo mới” này, hi vọng ngành hàng không nước ta sẽ có sự trở lại mạnh mẽ nhất.

PGS.TS Ngô Trí Long – chuyên gia kinh tế nhìn nhận, việc lên kế hoạch nối lại các đường bay thương mại quốc tế vào thời điểm này là phù hợp khi đang thay đổi kế hoạch ứng phó với dịch bệnh. "Kế hoạch này vẫn đảm bảo mục tiêu kép là vừa an toàn phòng dịch vừa phát triển kinh tế nhưng chủ động hơn trong các phương án đối phó với dịch bệnh. Hay nói cách khác là giúp chúng ta chung sống an toàn với dịch bệnh. Vì thế việc nối lại các hoạt động vận tải, trong đó có hàng không là rất cần thiết" - PGS.TS Ngô Trí Long cho hay.

Thực tế trong suốt thời gian dịch bệnh bùng phát, các DN hàng không vẫn liên tục tìm cách xoay sở để duy trì hoạt động và tồn tại. Kế hoạch “mở cửa bầu trời” cần thực hiện từng bước, căn cứ vào tình hình dịch bệnh trong nước cũng như quốc tế để đảm bảo an toàn phòng dịch. Bởi sức khỏe người dân và cộng đồng vẫn là ưu tiên hàng đầu và quan trọng nhất.

"Trước hết chỉ mở thị trường nào mà giữa hai nước đã có công nhận hệ thống dịch tễ của nhau và dịch bệnh nước đó cũng đã được kiểm soát tương đối tốt, kế đó mới tính đến nhu cầu đi lại. Các thị trường khả thi là các thị trường truyền thống như Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga..."Chủ tịch Vietravel Airlines Nguyễn Quốc Kỳ


"Cần ưu tiên mở lại các thị trường như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Úc là các khu vực kiểm soát dịch tốt. Đây là các thị trường du lịch và đầu tư rất lớn với Việt Nam. Sau khi mở thử nghiệm tại những thị trường trọng yếu, có thể tiến tới mở cửa dần các thị trường khác trên cơ sở kiểm soát dịch bệnh của từng nước. Singapore cũng kiểm soát dịch khá tốt và họ đang mở cửa dần." - Đại diện Vietnam Airlines