Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải bài toán trước nguy cơ thiếu điện hiện hữu

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nỗi lo về thiếu điện trong năm 2024, đặc biệt tại khu vực miền Bắc, dự báo nguy cơ có thể thiếu 1.200 - 2.500MW, nhất là cao điểm Hè từ tháng 5 – 7 vẫn hiện hữu.

Chưa có nguồn điện bổ sung

Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) Nguyễn Đức Thiện cho biết, trong năm qua, tình trạng thiếu nguồn diễn ra, trong khi công suất phân bổ của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) xuống rất thấp và kéo dài, dẫn tới tổng công ty phải điều chỉnh, tiết giảm một lượng lớn phụ tải. Ước tính công suất phải điều chỉnh và sa thải lớn nhất đạt 3.952MW. Sản lượng điện tiết giảm ước 608 triệu kWh.

Theo dự kiến của EVNNPC, điện thương phẩm năm 2024 sẽ hơn 97 tỷ kWh, tiếp tục tăng trưởng so với năm 2023. Tại miền Bắc, hiện nhiều tỉnh dự kiến sẽ phát triển nóng trong giai đoạn 2024 - 2025 với nhiều khu công nghiệp, doanh nghiệp, khách hàng lớn đăng ký sử dụng công suất quy mô lớn. Điển hình một số tỉnh Nghệ An, Hưng Yên, Bắc Giang, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Nam Định, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc...

Kiểm tra hệ thống điện.
Kiểm tra hệ thống điện.

Dự báo, công suất của EVNNPC năm 2024 có thể đạt trong khoảng 17.200 – 18.000MW, tương ứng với tăng trưởng từ 8,7 - 13,7% so với năm 2023. Trong khi đó, năm 2024, miền Bắc sẽ không có nguồn điện lớn nào được bổ sung.

Ngoài ra, hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của EVNNPC trong năm tới sẽ chịu nhiều hơn nữa các tác động, ảnh hưởng của yếu tố thị trường, các yêu cầu ngày càng cao về bảo vệ môi trường khi nền kinh tế Việt Nam tiếp tục hội nhập, tham gia sâu rộng hơn vào thị trường toàn cầu.

Kịch bản nào?

Từ thực tế, EVNNPC sẽ tiếp tục phải vượt qua hàng loạt các khó khăn, thử thách, nỗ lực để đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội khu vực và đời sống Nhân dân. Ông Nguyễn Đức Thiện cho biết, đơn vị đã lên 2 kịch bản cấp điện năm 2024 căn cứ trên dự báo phụ tải và công bố khả dụng của A0. Theo đó, với kịch bản kiểm tra và với phương án cao dự báo phụ tải, EVNNPC có thể thiếu từ 1.200 - 2500MW vào cuối tháng 5 - 7.

Phun nước làm mát trạm biến áp. 
Phun nước làm mát trạm biến áp. 

Để đảm bảo cấp điện năm 2024, đặc biệt trong mùa Hè, EVNNPC sẽ tập trung vào điều chỉnh phụ tải, dịch chuyển giờ sản xuất của các phụ tải lớn để hạn chế tối đa tình trạng tiết giảm phụ tải…

Còn Chủ tịch HĐQT EVNNPC Đỗ Nguyệt Ánh cho hay, EVNNPC sẽ tập trung vào các nhiệm vụ chính của năm 2024, từ nội tại đơn vị đến kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng. Đầu tiên và tiên quyết, EVNNPC trong mọi trường hợp sẽ phải đảm bảo an toàn lao động, an toàn thi công, xây dựng… không để tổn thất về người và tài sản. “Công tác sửa chữa lớn, đầu tư xây dựng, sửa chữa thường xuyên phải hoàn thành trước mùa nắng nóng, để sẵn sàng đón đầu trong đợt cao điểm Hè tới. Hiện nay nhiều đơn vị đã hoàn thành kế hoạch sửa chữa của năm 2024, nhưng hiện còn nhiều đơn vị vẫn đang thực hiện. Chậm nhất đến 30/4, toàn bộ các hạng mục phải hoàn thành” - bà Đỗ Nguyệt Ánh nói.

Đồng thời cho biết, hiện nay, lượng vốn đầu tư đổ vào các địa phương rất lớn, kéo theo nhu cầu phụ tải đăng ký tăng cao. Tổng công suất phụ tải tăng thêm năm nay khoảng 3.700MW, chưa tính tăng trưởng phụ tải tự nhiên của các khu vực khác. Vì vậy, các công ty điện lực địa phương phải bám sát các phụ tải này, đặc biệt là những khu vực, địa bàn có phụ tải sử dụng lớn. Đây là nội dung quan trọng, trách nhiệm của ngành điện để đáp ứng cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Cũng trong năm 2024, EVNNPC sẽ tập trung đầu tư xây dựng 19 công trình trọng điểm, nhiều công trình phải hoàn thành trước mùa nắng nóng để giải tỏa công suất nguồn điện; tiếp tục hoàn thành chỉ tiêu giảm tổn thất điện năng mức 4% giảm 0,07% so với thực hiện năm 2023, phấn đấu về đích trước 1 năm so với kế hoạch 5 năm 2021 – 2025; Tiếp tục quản trị tài chính một cách căn cơ để đảm bảo các chỉ tiêu tài chính, đặc biệt trong bối cảnh tới, giá nguyên nhiên liệu vẫn ở mức cao.

 

Trong năm 2024, EVNNPC sẽ là đơn vị phải chuẩn bị kỹ hơn rất nhiều so với các tổng công ty phân phối điện còn lại. Trong điều chỉnh phụ tải, giám đốc các công ty điện lực tỉnh phải trực tiếp gặp từng khách hàng lớn, phối hợp để chuyển dịch giờ cao điểm, nắm bắt thời gian sản xuất, đẩy lịch sửa chữa, bảo dưỡng...

Bên cạnh đó là các giải pháp tiết kiệm điện. Những năm qua, các đơn vị đã hưởng ứng, triển khai tốt, nhưng cần phải làm thực chất hơn nữa, các điện lực địa phương là đơn vị sát sườn, cần đồng hành, tham mưu cho tỉnh về các giải pháp tiết kiệm điện…

Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam Đặng Hoàng An