Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải cơn khát nhân lực chất lượng cao

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chất lượng đào tạo nghề của Việt Nam đã tăng 13 điểm, tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, kinh tế tri thức và cách mạng công nghiệp 4.0 yêu cầu người lao động (NLĐ) phải tăng cường kỹ năng. Kỹ năng ấy được rèn giũa từ trường đào tạo nghề, từ DN qua đó mới nâng được chất lượng nguồn nhân lực.

Sinh viên Cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội trong giờ thực hành. Ảnh: Phạm Hùng
Cầu nối Nhà nước – nhà trường – doanh nghiệp
Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019, Việt Nam đã tăng 10 bậc năng lực cạnh tranh lên 67, trong đó, yếu tố Kỹ năng đã tăng 4 bậc thành 93. Điểm Chất lượng đào tạo nghề nghiệp nằm trong yếu tố Kỹ năng đã tăng 13 bậc, từ vị trí 115 tới 102. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định việc tăng 13 điểm Chất lượng đào tạo nghề nghiệp là rất đáng mừng. Nhưng vị trí của đào tạo nghề còn thấp bởi chưa lọt được vào top 50 thế giới. Hơn nữa, trước yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, kinh tế tri thức; dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và xu thế dịch chuyển nhân lực trên thị trường lao động quốc tế, giáo dục nghề nghiệp (GDNN) còn bộc lộ một số hạn chế. Hiện nay cả nước là 55,46 triệu người trong độ tuổi lao động nhưng chỉ có 22,37% có văn bằng, chứng chỉ. Kỹ năng nghề của lao động qua đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu thị trường...
Theo đó, để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, việc đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN gắn với DN và thị trường lao động. Việt Nam có 600.000 DN và 33.000 DN FDI, nếu chúng ta thúc đẩy Nhà nước – nhà trường – DN cùng tham gia đào tạo kỹ năng lao động của người Việt Nam sẽ được nâng cao. Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Nhà nước tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để các DN đầu tư vào chất lượng đào tạo nhân lực. Cơ quan quản lý Nhà nước định hướng xu thế nghề nghiệp. Nhà nước tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ, không can thiệp vào hoạt động chuyên môn của nhà trường nhưng tiếp tục đầu tư. Đặc biệt là tạo cơ chế kinh tế để DN thấy được lợi ích trực tiếp, trước mắt và lâu dài để đầu tư vào đào tạo và nghiên cứu khoa học. Nhà nước hỗ trợ kết nối cung – cầu bằng việc cung cấp cơ sở dữ liệu lớn về nhu cầu việc làm và trình độ nghề nghiệp. Hoạt động hướng nghiệp phải được làm sớm hơn so với hiện nay và thực hiện tôn vinh bằng giá trị, kỹ năng và cống hiến của từng người. Điều quan trọng hơn, Nhà nước có chương trình phổ biến tri thức khoa học công nghệ trong toàn xã hội và mọi người đều tự học suốt đời, để nâng cao năng suất lao động và đất nước sẽ phát triển nhanh hơn.
Nhà trường phải là doanh nghiệp
Tại Diễn đàn quốc gia Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam hồi tháng 11/2019, với chủ đề “Doanh nghiệp đồng hành đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, vai trò của NLĐ có kỹ năng sẽ không bao giờ thừa cho dù có robot. Vì thế, Bộ LĐTB&XH xây dựng cơ chế hợp tác nhà trường – DN trên các lĩnh vực ngành nghề trọng điểm để gắn kết nội dung và đào tạo chất lượng nhân lực, kỹ năng cao cho NLĐ gắn với nhu cầu thị trường và nền kinh tế. 3 thành tố “Nhà nước – nhà trường – DN” phải có cơ chế rõ ràng thì mới có sức mạnh. Cùng với đề nghị chi ngân sách cho GDNN nhiều hơn, Thủ tướng yêu cầu các địa phương thực hiện chính sách ưu tiên cho những dự án có sự phối hợp giữa cơ sở GDNN và DN, từ đó mới gắn kết được nhà trường và DN trong đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng. Bộ LĐTB&XH và các Bộ đề xuất những mô hình mới về đào tạo nghề, thí điểm học sinh học hết THCS vào học cao đẳng, tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình chuyển giao từ nước ngoài.
Từ hoạt động gắn kết với DN của các cơ sở GDNN trên địa bàn TP Hà Nội đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 67,5%, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Thanh Nhàn cho rằng, Nhà nước cần có chủ trương xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa nhà trường và DN. Tuy nhiên, những chính sách này phải cụ thể và đồng bộ, rõ ràng. Các DN phải có cam kết sử dụng 100% NLĐ qua đào tạo, xây dựng những quy định để tổ chức đào tạo – dạy nghề cho NLĐ dưới các hình thức khác nhau nhằm nâng cao trình độ tay nghề và chất lượng lao động. DN ký hợp đồng tuyển dụng với các cơ sở GDNN hàng năm và có hỗ trợ cho sinh viên khá, giỏi; trao học bổng cho sinh viên có thành tích xuất sắc. Ngoài ra giúp cơ sở GDNN mở rộng hình thức dạy nghề tại chỗ, liên kết đặt hàng đào tạo.
Về phía cơ sở GDNN, từng bước xóa bỏ ranh giới của các khoa, bố trí sắp xếp máy móc, trang thiết bị thành hệ thống kết nối thông qua internet, robot, logistics thành nhà máy 4.0. Nhà máy này hoạt động như một DN có thể vừa tổ chức đào tạo, vừa nghiên cứu và sản xuất sản phẩm KHCN và thương mại hóa. Đặc biệt là tăng cường hợp tác chặt chẽ với DN về đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất sản phẩm và khai thác đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất thiết bị, công nghệ mới chỉ có trong DN.

Quản lý 17 cửa hàng ăn nhanh Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài Đào Hồng Quang:
Tăng cường học thực tế tại doanh nghiệp
Tôi đi lên từ nhân viên làm nghề dịch vụ, càng làm càng yêu, đến nay đã có hơn 20 năm trải nghiệm với nghề. Từ thực tế công việc, tôi nhận thấy, hiện nay rất ít DN dịch vụ tiếp cận, tuyển dụng được nhân viên đã qua đào tạo, đặc biệt là những nơi cách xa trung tâm TP lớn. Các DN chấp nhận tuyển dụng lao động phổ thông, nhận học sinh mới tốt nghiệp THPT vào để có người làm việc. Tuy nhiên, do các lao động chưa qua đào tạo nghề nên DN phải dạy cho họ kỹ năng công việc, tác phong làm việc, tiếng Anh giao tiếp...
Tôi nghĩ rằng, để hỗ trợ cho các bạn học sinh, sinh viên có thông tin về nhu cầu việc làm, chia sẻ kinh nghiệm, các trường đào tạo ngành Du lịch cần phân tích thị trường, có số liệu thống kê, tạo cơ hội nghề nghiệp cũng như trải nghiệm để người học tiếp cận. Qua tìm hiểu tôi được biết, ở nước ngoài, sinh viên học cao đẳng 3 năm nhưng chỉ một nửa thời gian ở trường, thời gian còn lại đi thực tế và học việc tại DN. Họ còn được những người đi trước chia sẻ và thành công rất nhanh.
Sinh viên trường Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội Trương Thế Diệu:
Tuổi trẻ phải luôn thử thách bản thân
Giành được tấm Huy chương Bạc Kỳ thi tay nghề thế giới 2019, với tôi là bước khởi đầu. Muốn tiến xa hơn, tôi cho rằng bản thân và các bạn trẻ cần phải học hỏi nhiều hơn nữa. Ngoài những kiến thức thầy cô dạy ở trường, các bạn trẻ nên tìm hiểu, học thêm những kiến thức liên quan trực tiếp tới ngành nghề mình đang theo đuổi qua sách, Internet... Hơn nữa, học lý thuyết phải đi đôi với thực hành, nhờ đó tay nghề và kỹ năng của các bạn mới được nâng cao và cơ hội có được việc làm tốt sau khi ra trường không quá khó. Trong quá trình học tập ở trường, các bạn trẻ luôn thử thách bản thân thông qua các cuộc thi cấp trường, TP nhằm trau dồi, cọ sát với những người đồng lứa. Từ đó có thêm động lực để bản thân học hỏi nhiều hơn và hoàn thiện mình.