Nhiều cam kết được đưa ra
Theo báo cáo của Cơ quan Thống kê Liên minh châu Âu (EU), GDP của 17 quốc gia thuộc khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) chỉ tăng 0,2% so với quí đầu tiên và tăng 1,7% so với cùng kì năm ngoái, mức tăng thấp nhất kể từ cuối năm 2009. Ngay cả Đức và Pháp, 2 nền kinh tế lớn nhất khu vực cũng chỉ tăng lần lượt 0,1% và 0% trong quí vừa qua. Điều này càng làm dấy lên lo ngại về một cuộc suy thoái toàn cầu mới đang dần hình thành. Tăng trưởng chậm cũng khiến các nước đang mang nợ như Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha gặp khó khăn trong việc phát triển kinh tế.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Đức Merkel và Tổng thống Pháp Sarkozy đã cam kết sẽ hành động mạnh mẽ hơn nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng nợ tại Eurozone. Theo đó, một loạt các biện pháp đã được hai nhà lãnh đạo đưa ra như: đánh thuế doanh nghiệp như nhau tại hai nước, thông qua những đạo luật bắt buộc phải cân bằng ngân sách của các nước vào giữa năm 2012,... Đặc biệt là sự cần thiết phải thành lập một Hội đồng kinh tế chung cho Eurozone gồm 17 nguyên thủ của các quốc gia khu vực được đặt dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC). Hội đồng này sẽ gặp nhau ít nhất 2 lần/năm, nhằm bàn bạc và ban hành các biện pháp kịp thời để kiểm soát cuộc khủng hoảng nợ của khu vực.
Bất đồng vẫn tồn tại
Mặc dù hai nền kinh tế đầu tàu EU tỏ rõ quyết tâm giải cứu khu vực thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ công, nhưng trong nội bộ Eurozone vẫn tồn tại nhiều bất đồng liên quan đến vấn đề gai góc này. Cuối tuần trước, Đức và Pháp đã thẳng thừng bác bỏ đề xuất Bộ trưởng Tài chính Italia Giulio Tremonti về việc thành lập một thể chế trái phiếu chung của Eurozone. Ngoài ra, hôm 16/8, lãnh đạo hai nước cũng từ chối tăng qui mô Quĩ ổn định tài chính 440 tỉ Euro (633 tỉ USD).
Các nhà phân tích cho rằng, một điều quan trọng được rút ra từ cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu kéo dài một năm rưỡi qua là việc lãnh đạo Eurozone chỉ quyết định hành động khi hiểm họa đã cận kề. Hiện, Đức và Pháp vẫn ung dung phản đối các đề xuất trên do Tây Ban Nha và Italia vẫn có thể tự cứu lấy mình bằng cách bán trái phiếu Chính phủ. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhấn mạnh, tốc độ tăng trưởng yếu kém cùng với lợi suất trái phiếu của Tây Ban Nha, Italia đang duy trì ở mức khá cao là 5% sẽ buộc các nhà lãnh đạo EU phải sớm mở rộng Quĩ ổn định tài chính lên 1,5 - 2 nghìn tỉ Euro đến cuối 2013.
Đức phải chèo lái Eurozone
Trong các bài phỏng vấn và bài viết gần đây của trùm tài phiệt George Soros, ông luôn nhấn mạnh rằng số phận của đồng Euro hoàn toàn phụ thuộc vào nước Đức. Berlin cần phải chèo lái con thuyền Eurozone và áp đặt một giải pháp thoát khỏi khủng hoảng do nước này có tiềm lực kinh tế mạnh nhất khu vực, có thặng dư thương mại liên tục và có sự ổn định chính trị - xã hội cần thiết. Theo đó, Đức cũng như các quốc gia trong Eurozone đang có xếp hạng trái phiếu AAA phải chấp thuận một chế độ trái phiếu chung cho toàn khu vực. Nếu không, đồng Euro có nguy cơ biến mất và gây thiệt hại vô cùng nghiêm trọng cho hệ thống ngân hàng châu Âu nói riêng và cả thế giới nói chung. Mặc dù thừa nhận, Đức có thể sẽ mất xếp hạng tín nhiệm AAA khi chấp thuận một chế độ trái phiếu chung của Eurozone và Hiệp ước Maastricht đã qui định không một nước thành viên nào lại phải chi tiền cho sai lầm của một nước thành viên khác, nhưng George Soros đã thẳng thừng chỉ trích thái độ phản đối của Berlin trong vấn đề này. Ông cho rằng: "Các chính khách châu Âu chưa thực sự tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng này. Họ chỉ muốn dùng tiền mua thời gian. Họ nghĩ rằng thời gian sẽ chữa lành mọi vết thương, nhưng điều này sẽ không xảy ra. Mỗi khoảnh khắc bị chính khách lãng phí do không chịu nhìn nhận thực tế sẽ khiến cho tình hình trở nên tồi tệ hơn".