Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Diễn đàn trẻ em 2023:

Giải đáp nhiều vấn đề “nóng” liên quan đến trẻ em

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Làm sao để trẻ em không bị xâm hại tình dục, bạo lực trẻ em, không bị bạo lực học đường, bắt nạt học đường,… là những vấn đề nóng được trẻ em đặt ra tại các diễn đàn trẻ em trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2023.

Trẻ em lo lắng bạo lực học đường, xâm hại tình dục

Tại Diễn đàn trẻ em quận Tây Hồ năm 2023, trẻ em phường Bưởi vô cùng lo lắng về vấn đề xâm hại tình dục trẻ em. Vì thế, các em đã gửi tới đại biểu tham dự diễn đàn câu hỏi: Cơ quan quản lý có biện pháp gì để bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại tình dục? Với câu hỏi này, ông Nguyễn Văn Báu – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Tây Hồ cho rằng, bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại tình dục rất cần sự vào cuộc khẩn trương, mạnh mẽ và phối hợp đồng bộ của toàn thể xã hội.

Trẻ em quận Tây Hồ đặt câu hỏi đến các khách mời tham dự Diễn đàn trẻ em năm 2023. Ảnh: Trần Oanh. 
Trẻ em quận Tây Hồ đặt câu hỏi đến các khách mời tham dự Diễn đàn trẻ em năm 2023. Ảnh: Trần Oanh. 

Để ngăn chặn tệ nạn này, chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền về pháp luật chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Bên cạnh đó, đẩy mạnh thực hiện xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nếp sống văn minh trong cộng đồng cụm dân cư; có sự kết nối giữa gia đình và khu dân cư để bảo vệ trẻ em.

Các nhà trường cần xây dựng chương trình, kế hoạch giáo dục kỹ năng sống cho học sinh; phát huy vai trò của giáo viên chủ nhiệm lớp để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học sinh; học sinh được bày tỏ ý kiến của mình với thầy cô, cha mẹ, bạn bè. Về phía gia đình, cha mẹ cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình để bảo vệ con khỏi bị xâm hại tình dục. Cha mẹ thường xuyên chia sẻ để kịp thời nhận ra những thay đổi của con; trang bị cho con cách phòng ngừa những hành vi xấu.

Trẻ em tham gia Hội thi "Thiếu nhi tuyên truyền giới thiệu sách" quận Tây Hồ năm 2023.
Trẻ em tham gia Hội thi "Thiếu nhi tuyên truyền giới thiệu sách" quận Tây Hồ năm 2023.

Các trẻ em phường Thụy Khuê quan tâm đến bạo lực học đường là vấn đề nhức nhối, đáng báo động, để lại hậu quả nặng nề về thể chất và tinh thần. Thậm chí trong nhiều báo cáo của các cơ quan chức năng đã dùng từ “vấn nạn học đường”, bởi nó xảy ra rất nhiều. Chỉ tính riêng trong năm 2022, khi dịch Covid-19 chưa hết, trên cả nước xảy ra 1.600 vụ bạo lực học đường, nghĩa là mỗi ngày có 4 - 5 vụ.

Đại diện Công an quận Tây Hồ tham dự diễn đàn cho biết, để phòng tránh bạo lực học đường, Điều 12 Luật Giáo dục đã quy định cơ sở giáo dục có trách nhiệm phòng chống bạo lực học đường, xử lý kịp thời những vi phạm bạo lực học đường xảy ra trong nhà trường. Đối với những vụ bạo lực học đường ở mức độ nhẹ, đơn giản chưa vi phạm pháp luật, nhà trường có trách nhiệm xử lý. Với những vụ việc vượt quá chức năng, nhà trường phối hợp với cơ quan công an, y tế để giải quyết.

“Hiện nay Công an quân Tây Hồ thực hiện 3 biện pháp phòng chống bạo lực học đường, đó là phối hợp với nhà trường tuyên truyền, giáo dục, trang bị những kiến thức để phòng ngừa; tư vấn và hỗ trợ pháp luật đối với những người đang có nguy cơ bị xâm hại; can thiệp, xử lý triệt để những trường hợp vi phạm để giảm bạo lực học đường”, đại diện Công an quận Tây Hồ cho hay.

Trẻ em hãy mạnh dạn lên tiếng, tố cáo

Trao đổi tại Diễn đàn trẻ em quận Tây Hồ năm 2023, Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam nhấn mạnh: "Pháp luật nghiêm cấm những hành vi gây tổn hại cho trẻ em, xâm hại đến trẻ em. Tất cả những người gây tổn hai cho trẻ em và thủ phạm xâm hại trẻ em thì đều bị pháp luật ngăn chặn và nghiêm trị. Mọi hành vi xâm hại tình dục trẻ em đều bị xử lý hình sự, nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật".

Cục trưởng Đặng Hoa Nam khuyên các trẻ em mạnh dạn lên tiếng, tố cáo những hành vi xâm hại trẻ em. Ảnh: Trần Oanh.
Cục trưởng Đặng Hoa Nam khuyên các trẻ em mạnh dạn lên tiếng, tố cáo những hành vi xâm hại trẻ em. Ảnh: Trần Oanh.

Vấn đề còn lại của chúng ta là phòng ngừa từ nhiều phía. Đối với các trẻ em thì phòng ngừa bằng cách trang bị kỹ năng, trong đó mạnh dạn lên tiếng, dám tố cáo. Khi nghi ngờ bạn bè bị xâm hại tình dục, bị bạo lực thì một trong những nhiệm vụ quan trọng của các em là bảo vệ bạn đó bằng cách không tiết lộ thông tin bí mật đời sống riêng tư; chia sẻ với người tin cậy nhất như cô giáo chủ nhiệm, tổng phụ trách, ban tư vấn nhà trường…

Ông Đặng Hoa Nam cũng chia sẻ về tình trạng “bạo lực trắng” là hành vi kỳ kỳ thị giữa học sinh với học sinh, cô lập bạn mình cả trong đời thực cũng như trên không gian mạng, có vẻ vô hại nhưng cực kỳ nghiêm trọng. Ví dụ, có nhóm học sinh đang chơi với nhau trên mạng thì tìm cách đuổi bạn ra; một nhóm đang chơi với nhau vui vẻ ở lớp, ở trường thì tìm cách cô lập bạn, ngăn chặn các mối quan hệ khác. Vừa qua, một nữ sinh ở trường THPT chuyên ở Vinh tự tử là do “bạo lực trắng”.

Sản phẩm của trẻ em khi tham gia lớp tập huấn trang bị kỹ năng sống.
Sản phẩm của trẻ em khi tham gia lớp tập huấn trang bị kỹ năng sống.

“Nếu các em bị “bạo lực trắng” thì đầu tiên chúng ta phải tìm đến những người tin tưởng nhất để chia sẻ, thứ hai là lên tiếng nếu thấy có nguy cơ càng cao. Và nếu các em băn khoăn về “bạo lực trắng”, “bắt nạt trắng” trong trường học thì hãy mạnh dạn gọi đến Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em 111. Đây là nơi tiếp nhận những thông tin tố cáo, tố giác các hành vi xâm hại trẻ em. Tổng đài 111 còn có chức năng hỗ trợ trẻ em về những vướng mắc, băn khoăn chưa biết xử lý ra sao, ví dụ như: nghi ngờ bạn bị xâm hại tình dục, bị bắt nạt, xuất hiện cản giác lạ với bạn khác giới…

Ông Hoa Nam cũng nhắn nhủ các trẻ em về việc, mình muốn nên người và trở thành người thành công trong cuộc sống thì phải thực hiện đúng nội quy, quy định của nhà trường và gia đình. Nếu các em có hành vi chưa đúng hoặc sai thì phải chịu kỷ luật, nhưng đó là kỷ luật tích cực, không bạo lực, không nước mắt. Hiện nay, trang fanpage của Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 có 20 bài về học làm cha mẹ, giúp cải thiện mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Về phía các trẻ em cũng phải biết cách để cha mẹ không có những cơn cáu giận bất thường, tránh đi những hành vi gây tổn hại cho bản thân.