Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải ngân đầu tư công, nước rút về đích

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Những ngày đầu năm 2024, ngoài giải ngân kế hoạch vốn năm 2024, các ngành các cấp đang tích cực giải ngân vốn còn lại của năm 2023 cho các công trình, dự án hoàn thành, đã có khối lượng thanh toán.

Quyết liệt những tháng cuối năm

“Dự kiến đến hết thời hạn giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 (ngày 31/1/2024), sẽ hoàn thành tối thiểu 95% kế hoạch, như mục tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ đặt ra, đạt cao nhất từ trước đến nay”- Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi (Kho bạc Nhà nước) Nguyễn Mạnh Hà cho biết. So với năm 2022, số vốn giải ngân cao hơn 4%, tương đương 124.000 tỷ đồng.

Dự kiến đến hết thời hạn giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 (ngày 31/1/2024) sẽ hoàn thành tối thiểu 95% kế hoạch. Ảnh minh hoạ
Dự kiến đến hết thời hạn giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 (ngày 31/1/2024) sẽ hoàn thành tối thiểu 95% kế hoạch. Ảnh minh hoạ

Con số đạt được trong giải ngân đầu tư công năm 2023 là kết quả từ nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư, ban quản lý dự án, doanh nghiệp thi công, xây lắp, nhà thầu. Trong đó, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng các bộ liên ngành.

Trong đó, ưu tiên những công trình, dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia như đường cao tốc, các công trình, dự án liên vùng… Đồng thời duy trì hoạt động 5 tổ công tác của Chính phủ, các tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch UBND các tỉnh làm tổ trưởng, để thúc đẩy đầu tư công; kiểm tra, giám sát các nhà đầu tư, nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ, xử lý các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu cố tình gây khó khăn, làm chậm tiến độ giải ngân.

Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương rà soát kỹ năng ngay từ khâu chuẩn bị dự án, lựa chọn dự án giao vốn đến công tác thiết kế, đấu thầu, thi công; tập trung vào giải phóng mặt bằng, thực hiện tạm ứng, thu hồi tạm ứng, thanh toán vốn đầu tư theo đúng quy định, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng; cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong đầu tư công…

Trước đó, báo cáo của Bộ Tài chính, kết quả giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN 10 tháng năm 2023 của cả nước là 389,7 nghìn tỷ đồng, đạt 55,02% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tuy nhiên, chỉ riêng tháng 11, số vốn giải ngân được lên tới 71.300 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so với con số trung bình của 11 tháng là 41.900 tỷ đồng/tháng.

Thống kê của Bộ KH&ĐT cho thấy, đến hết tháng 11/2023, Bộ GTVT đứng đầu các bộ, ngành, địa phương có giá trị giải ngân vốn đầu tư công. Đứng thứ hai là Hà Nội, giải ngân gần 32.600 tỷ đồng, tiếp đến là TP Hồ Chí Minh gần 28.800 tỷ đồng, Bộ Quốc phòng hơn 16.000 tỷ đồng, Bình Dương hơn 13.800 tỷ đồng, Hải Phòng gần 13.400 tỷ đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu hơn 11.500 tỷ đồng, Long An hơn 9.900 tỷ đồng...

Theo Bộ KH&ĐT, mặc dù đứng trước những khó khăn, nhưng thông lệ nhiều năm qua thì càng về cuối năm khối lượng công việc đã thực hiện hoàn tất cũng càng nhiều và chính là thời điểm thưc hiện việc nghiệm thu, thanh toán, giải ngân cụ thể. Tức là hầu hết các đơn vị đã lấy được “phong độ” và càng gia tăng tiến độ triển khai dự án trên thực địa.

Trong đó, các đơn vị kiểm tra, giám sát hiện trường, kịp thời tháo gỡ khó khăn về đất đai, tài nguyên, bãi đổ thải…; đôn đốc các nhà thầu, tư vấn tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp’ để đẩy nhanh tiến độ các dự án…,” - Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Địa phương dồn sức để giải ngân

Để đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, Chính phủ đã tập trung ưu tiên đầu tư một số công trình trọng điểm quốc gia như Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, dự án cao tốc Bắc - Nam, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, và các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Nhiều địa phương đã tăng tốc, bứt phá giải ngân vốn đầu tư công. Như với dự án đường Vành đai 4, trong tháng 11 vừa qua, dự án tiếp tục khẩn trương bàn giao mặt bằng tại Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh. Tổng vốn đã đầu tư cho dự án là 12,6 nghìn tỷ đồng, trong đó giải ngân đã đạt 64%. Ở giai đoạn này, các địa phương chủ yếu tập trung thanh toán cho công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư.

"Đẩy nhanh việc giải ngân công tác tiền bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, phê duyệt đến đâu huyện trả đến đấy. Đến nay tất cả các diện tích phê duyệt phương án bồi thường cơ bản đã giải ngân xong" - Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Mê Linh Nguyễn Hồng Quang thông tin.

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội Nguyễn Chí Cường cho hay, trên cơ sở kế hoạch được giao, ngay từ đầu năm 2023, Ban đã phân bổ, giao kế hoạch vốn cho các phòng quản lý dự án; chỉ đạo xây dựng kế hoạch, tiến độ triển khai thực hiện cụ thể đối với từng dự án; xây dựng kế hoạch, tiến độ giải ngân theo từng tháng; giao ban các dự án theo chuyên đề để nắm bắt tiến độ, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn nhằm thúc đẩy tiến độ.

Ngay trong tháng 1/2024, đơn vị sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt, đôn đốc các đơn vị có liên quan hoàn thiện các thủ tục để giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023, mục tiêu phấn đấu giải ngân đạt trên 95% kế hoạch TP giao.

Là nhà thầu thi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, đại diện Tập đoàn Đèo Cả cho hay, để đẩy nhanh tiến độ trên công trường, thay vì bố trí các mũi công nhân làm nền đường dọc tuyến, các nhà thầu tập trung thi công hệ thống cầu, cống, đặc biệt là hệ thống 3 hầm xuyên núi. Kể cả trời mưa, hơn 40 mũi thi công cùng hàng trăm thiết bị, máy móc lúc nào cũng được duy trì.

Tại TP Hồ Chí Minh, các công trình trọng điểm có mức đầu tư nghìn tỷ đồng đang "chạy nước rút" để kịp tiến độ với việc giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023. Sở KH&ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, ngay từ tháng 1/2024, định kỳ hàng tháng, tổ công tác tháo gỡ các vướng mắc về đầu tư công của TP, lập tức triển khai rà soát, đôn đốc tiến độ giải ngân.

Trong những ngày cuối năm 2023, tại nhiều địa phương, các đơn vị đang đẩy nhanh tiến độ thi công; đồng thời, thực hiện nghiệm thu, thanh toán, thu hồi tạm ứng vốn đầu tư ngay khi có khối lượng nhằm giải ngân số tiền ngân sách đã bố trí. Cùng với đó, các đơn vị tập trung làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, để có thể triển khai thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 ngay từ đầu năm, không để chậm trễ.

Có thể thấy, từ sự quyết tâm cao của các địa phương trong giải ngân vốn đầu tư đã tạo bước tiến mạnh mẽ cho công tác này, khi kết thúc thời hạn giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023.