Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải pháp đột phá để giảm nguy cơ “lọt lưới an sinh”

Trần Oanh – Hoàng Yến – Công Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi– Chỉ nên có một hệ thống bảo hiểm xã hội (BHXH); người sử dụng lao động tư duy theo hướng đóng BHXH cho người lao động của quốc gia; có quy định thu nhập tối thiểu cho người lao động phi chính thức... là những đề xuất của chuyên gia về tăng số người tham gia BHXH tự nguyện.

Tỷ lệ người lao động tham gia BHXH tự nguyện còn thấp

Tọa đàm chuyên đề Giảm nguy cơ “lọt lưới an sinh” do Báo Kinh tế & Đô thị cùng Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án An sinh Xã hội Việt Nam tổ chức sáng 23/4 tại trụ sở báo (21 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội).

Ban tổ chức tặng hoa cho các diễn giả tham dự Tọa đàm chuyên đề Giảm nguy cơ “lọt lưới an sinh” . Ảnh: Khánh Huy.
Ban tổ chức tặng hoa cho các diễn giả tham dự Tọa đàm chuyên đề Giảm nguy cơ “lọt lưới an sinh” . Ảnh: Khánh Huy.

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị, Trưởng Ban tổ chức Chương trình truyền thông “Những cống hiến thầm lặng” cho biết: Hiện nay cả nước có tổng số hơn 33 triệu lao động phi chính thức, trong đó chỉ 0,2% được đóng BHXH bắt buộc, 1,9% đóng BHXH tự nguyện, còn lại 97,9% không tham gia loại bảo hiểm nào. Đây là vấn đề đang đặt ra rất lớn đối với xã hội. Bởi khi xã hội phát triển, việc chăm lo quan tâm đến vấn đề an sinh xã hội cho toàn dân, đặc biệt là lao động khu vực phi chính thức cần phải nhiều hơn. Nhất là khi, lao động khu vực phi chính thức lại giữ vai trò hết sức quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển, đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội.

Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị PGS.TS Nguyễn Thành Lợi phát biểu khai mạc tọa đàm.
Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị PGS.TS Nguyễn Thành Lợi phát biểu khai mạc tọa đàm.

Sau 15 năm thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt 1,45 triệu người. Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV), Phó Trưởng Ban tổ chức Chương trình truyền thông “Những cống hiến thầm lặng” Tạ Việt Anh cho rằng, con số này còn khá khiêm tốn. Lý do là lao động khu vực phi chính thức chủ yếu làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, điều kiện và thu nhập đảm bảo tham gia BHXH tự nguyện không nhiều. Hiện, những người tham gia BHXH tự nguyện mới có hai chế độ hưu trí và tử tuất.

Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) Tạ Việt Anh trao đổi tại tọa đàm. Ảnh: Khánh Huy.
Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) Tạ Việt Anh trao đổi tại tọa đàm. Ảnh: Khánh Huy.

Trao đổi tại tọa đàm, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam Đỗ Ngọc Thọ chỉ ra những nguyên nhân khiến người lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện với tỷ lệ rất khiêm tốn, đó là: thu nhập của đa số người dân còn thấp, không ổn định; một bộ phận người dân thiếu quan tâm cũng như chưa hiểu hết được ý nghĩa, giá trị của chính sách BHXH tự nguyện.

Một nguyên nhân nữa, đó là mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH chưa tạo được cú hích để thúc đẩy người dân tham gia BHXH tự nguyện... Hiện nay mới chỉ có 22/63 tỉnh được HĐND ra nghị quyết hỗ trợ thêm. Điều kiện về thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu còn dài; tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH của các DN cũng khiến người lao động chưa mặn mà tham gia BHXH tự nguyện.

Chỉ nên có một hệ thống BHXH

Để tăng số người lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện, tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), Chính phủ đã có đề xuất với Quốc hội một số nội dung mới. Đó là quy định đóng BHXH từ 15 năm trở lên sẽ được lĩnh lương hưu thay vì 20 năm như hiện nay; người lao động tham gia BHXH tự nguyện (bao gồm cả lao động nữ và lao động nam) khi sinh con nếu đáp ứng đủ điều kiện đóng thì được hưởng trợ cấp 2.000.000 đồng/1 con.

“BHXH tự nguyện chỉ có 2 chế độ, hiện giờ Chính phủ bổ sung chế độ thai sản là rất tốt; giảm số năm đóng BHXH từ 20 năm xuống 15 năm cũng là chính sách ưu việt và rất nhân đạo. Tôi nghĩ rằng, khi dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, cùng với việc tuyên truyền thì độ bao phủ BHXH sẽ rộng hơn” - PGS.TS Bùi Thị An - nguyên đại biểu Quốc hội - Ủy viên, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội khóa XIII (Nhiệm kỳ 2011 – 2016) chia sẻ.

Các diễn giả tại phiên thảo luận 1. Ảnh: Khánh Huy.
Các diễn giả tại phiên thảo luận 1. Ảnh: Khánh Huy.

TS Phạm Thị Thu Lan – Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nghĩ rằng những điểm mới trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) thực sự là rất tốt, bao trùm tất cả mọi người lao động, không ai bị bỏ lại phía sau. Nhưng bà Thu Lan muốn dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) có cách tiếp cận toàn diện hơn, theo đó hiện nay Nhà nước đang có hệ thống BHXH phân đôi hai nhóm là BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. Vì thế, Nhà nước sửa đổi hệ thống BHXH vẫn thực hiện nguyên tắc đóng – hưởng nhưng mọi người lao động ở hai khu vực (chính thức và phi chính thức) đều bình đẳng có các chế độ như nhau, đóng bao nhiêu hưởng bấy nhiêu.

Về phía người sử dụng lao động không nên tư duy theo hướng đóng góp BHXH cho lao động của DN. Bởi hiện nay thị trường lao động linh hoạt, người lao động khu vực chính thức có thể chuyển sang khu vực phi chính thức và ngược lại. Vì thế, chủ sử dụng lao động nên tư duy là mình đóng BHXH cho người lao động của quốc gia. Phần đóng góp của người sử dụng lao động chuyển vào quỹ an sinh xã hội, được sử dụng chung cho mọi người lao động. Khi đó, người lao động làm việc ở vị trí nào thì hưởng theo chế độ mình đóng góp. Với cách làm này sẽ tạo ra chế độ bình đẳng, hấp dẫn tất cả mọi người lao động tham gia BHXH hơn là hệ thống BHXH phân đôi.

Trước nhiều ý kiến bày tỏ chính sách BHXH cần nghiên cứu quy định bắt buộc tham gia BHXH khu vực phi chính thức, không có hợp đồng lao động, Trưởng phòng Truyền thông BHXH Hà Nội Dương Thị Minh Châu đặt ra vấn đề: “Hiện nay chúng ta đang muốn tăng hỗ trợ cho các lao động phi chính thức khi tham gia BHXH tự nguyện nhưng nếu đưa họ vào BHXH bắt buộc thì ngân sách Nhà nước có hỗ trợ nữa hay không. Tôi nghĩ rằng trên quan điểm chúng ta xây dựng chính sách an sinh xã hội linh hoạt hơn để người lao động ở khu vực phi chính thức có sự lựa chọn việc tham gia BHXH tự nguyện dễ dàng, hơn là việc đưa họ vào BHXH bắt buộc", bà Dương Thị Minh Châu nhấn mạnh.

Tăng sức hấp dẫn trong chính sách BHXH

Muốn cải thiện tỷ lệ người lao động tham gia BHXH, theo GS.TS Giang Thanh Long – Giảng viên cao cấp, Khoa Kinh tế học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân khuyến nghị, việc đầu tiên là mở rộng đối tượng tham gia BHXH, chuyển người lao động từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức; hỗ trợ người lao động đủ đóng để giải quyết các khó khăn trước mắt và nghĩ được các vấn đề lâu dài. Thứ nữa, cần “xóa bỏ dần” khoảng cách giữa lao động chính thức và lao động phi chính thức. Chúng ta đều biết, lao động chính thức được bảo vệ rất chắc chắn bằng các chế độ BHXH ngắn hạn, dài hạn. Trong khi đó người lao động phi chính thức rất mong manh về thu nhập và các vấn đề khác nhưng chỉ có chế độ BHXH dài hạn là hưu trí và tử tuất; vì thế rất cần tăng chế độ cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện. Cũng cần công khai cho người thụ hưởng biết họ đóng bao nhiêu, sau này sẽ có lương hưu thế nào.

PGS.TS Bùi Thị An - nguyên đại biểu Quốc hội chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Khánh Huy. 
PGS.TS Bùi Thị An - nguyên đại biểu Quốc hội chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Khánh Huy. 

Theo PGS.TS Bùi Thị An, tâm lý người dân cho rằng đóng BHXH thì dễ, rút thì khó nên cần cải cách bảo hiểm trong cách đăng ký, cách rút; làm rõ dự báo tương lai người lao động sẽ nhận được bao nhiêu tiền lương sau khi tham gia BHXH. Hiện nay, độ tin cậy và độ hấp dẫn của chính sách BHXH chưa cao nên vấn đề này cần phải đưa vào dự thảo Luật BHXH (sửa đổi).

Các diễn giả tại phiên thảo luận 2. Ảnh: Khánh Huy.
Các diễn giả tại phiên thảo luận 2. Ảnh: Khánh Huy.

Bàn luận về Nhà nước có các mức hỗ trợ kinh phí 10% - 25% - 30% đối với từng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, các chuyên gia cho rằng, đây thực sự là một chính sách rất nhân văn hỗ trợ cho các nhóm yếu thế. Nhưng quá chính sách này được thực hiện từ năm 2018 đến nay tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện tăng không nhiều. Lý do bởi đôi khi người nghèo quan tâm đến cuộc sống hiện tại hơn là tương lai. Không thể nào Nhà nước có thể hỗ trợ tăng cao mãi được, bởi sẽ vượt quá ngân sách. Từ quan điểm này, TS Phạm Thị Thu Lan đề xuất cần phải có một hệ thống chính sách đồng bộ và toàn diện hơn. Đó là chính sách xóa đói giảm nghèo tiếp tục được thúc đẩy thông qua tạo việc làm có chất lượng, đảm bảo thu nhập cho người lao động. Bên cạnh đó là hỗ trợ về vay vốn đối với người lao động phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế hộ gia đình. Đồng thời, Nhà nước nên xây dựng chính sách thu nhập tối thiểu cho người lao động khu vực phi chính thức; cũng giống như hiện nay trong khu vực chính thức có mức lương tối thiểu vùng.

Trước thực tế có nhiều người lao đồng rút BHXH một lần, các chuyên gia cho rằng chúng ta cần đẩy mạnh truyền thông về những bất lợi khi nhận BHXH một lần và lợi ích khi tích lũy thời gian đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng chế độ cao hơn trong tương lai. Cũng như, tăng cường tuyên truyền, vận động, thanh tra, kiểm tra để chủ sử dụng lao động tuân thủ pháp luật về BHXH, đóng BHXH đầy đủ, đảm bảo quyền lợi của người lao động để họ gắn bó với công việc, hạn chế hưởng BHXH một lần.

 

“Hiện nay, một số DN xã hội thực hiện chương trình tư vấn quản lý tài chính cá nhân. Tôi thấy vấn đề này rất tốt bởi nhiều người, nhất là lớp trẻ đang có xu hướng tiêu dùng vượt quá khả năng của họ. Thậm chí, họ vay tiền để tiêu dùng, mà không biết cách quản lý tài chính cá nhân cho tương lai như thế nào. Tôi nghĩ, chúng ta phải tiết kiệm ngay từ trẻ, chứ không phải đợi đến lúc bao nhiêu tuổi mới nghĩ đến tích lũy.

Nhà nước nên có chính sách và chỉ đạo các ngân hàng hỗ trợ cho hệ thống DN triển khai chương trình tư vấn quản lý tài chính cá nhân trong suốt cuộc đời để những người trẻ và tất cả mọi người biết cách quản lý và sử dụng đồng tiền hợp lý, tham gia BHXH từ sớm để sau này có lương hưu, đảm bảo an sinh xã hội”.

Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam TS Phạm Thị Thu Lan