Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội

3 mô hình tiêu biểu phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, việc đưa chính sách BHXH tự nguyện, bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình vào đời sống được các ngành, địa phương triển khai đa dạng, linh hoạt, phù hợp với đặc thù từng vùng miền, nếp sống, sinh hoạt của người dân nơi cư trú.

Hiện, cả nước có 23 mô hình điển hình, phát huy hiệu quả cao, góp phần đưa BHXH tự nguyện, BHYT đến với từng người, gia đình, tạo giá đỡ an sinh quan trọng cho người dân khi tuổi già hoặc khi không may bị ốm đau, bệnh tật…

Trên bản đồ phát triển hệ thống an sinh, Hà Nội có 3 mô hình tiêu biểu. Nổi bật là mô hình truyền thông nhóm nhỏ, tư vấn 1-1 (một cán bộ tư vấn và một người dân). Mô hình này được BHXH Hà Nội phối hợp với tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT cùng thành viên các tổ chức hội, đoàn thể trong ban thực hiện chính sách BHXH, BHYT các xã, phường, thị trấn và cán bộ, viên chức cơ quan BHXH thực hiện trên phạm vi rộng.

BHXH quận Hà Đông chú trọng đưa chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình đến với người dân thông qua mô hình tư vấn 1-1.  
BHXH quận Hà Đông chú trọng đưa chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình đến với người dân thông qua mô hình tư vấn 1-1.  

Cách thức tuyên truyền phổ biến là các lực lượng chức năng gặp gỡ người dân, tư vấn theo nhóm nhỏ hoặc tư vấn 1-1 trực tiếp tại chợ dân sinh, tại nhà văn hóa của khu dân cư, tổ dân phố… Cùng với đó, các lực lượng chức năng lồng ghép tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình tại các hội nghị triển khai công tác hội, đoàn thể ở cơ sở như hội nông dân, hội liên hiệp phụ nữ, đoàn thanh niên…

Mô hình thứ hai là hội liên hiệp phụ nữ xã, phường, thị trấn truyền thông phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình tại các địa bàn xã, phường, thị trấn được chọn làm mô hình điểm về BHXH, BHYT.

Với mô hình này, khi địa phương được chọn làm điểm, thì ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT xã, phường, thị trấn tổ chức họp, phân công cụ thể, giao chỉ tiêu phát triển số người tham gia cho các ban, ngành, đoàn thể, trong đó hội liên hiệp phụ nữ giữ vai trò là đầu mối. Sau đó, các bên liên quan tiến hành rà soát các đối tượng có tiềm năng tham gia BHXH, BHYT hộ gia đình theo độ tuổi, mức thu nhập, để có cách thức tiếp cận và truyền thông cho phù hợp…

Hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, từ trực tiếp đến trực tuyến, từ trực quan đến truyền thông qua mạng xã hội…

Mô hình thứ ba là Tổ phụ nữ tiết kiệm tham gia BHXH tự nguyện vì cuộc sống bình an.

Lực lượng nòng cốt triển khai mô hình này vẫn là hội liên hiệp phụ nữ xã, phường, thị trấn, nhưng có điểm khác biệt là tổ chức hội tự xây dựng lộ trình, chỉ tiêu vận động, phát triển số người tham gia theo định kỳ hằng tháng, hằng quý…

Nhờ những cách làm sáng tạo, linh hoạt, số người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình trên địa bàn Hà Nội duy trì đà tăng đều đặn. Trong đó, chính sách BHXH tự nguyện hiện có gần 80.000 người tham gia, bằng 1,82% lực lượng lao động trong độ tuổi.