Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải pháp minh bạch phí... hóa ra không đơn giản

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Câu chuyện về việc xây dựng 1km đường cao tốc mẫu trong những ngày gần đây bỗng nhiên trở thành đề tài nóng được dư luận đặc biệt quan tâm.

“Sức hút” của câu chuyện này không chỉ vì đây là chỉ đạo của Thủ tướng từ rất lâu nhưng vẫn chưa được hoàn thành dù đã trải qua hai lần gia hạn, mà còn bởi chính 2/3 đơn vị được giao nhiệm vụ là Bộ GTVT và Bộ Xây dựng, sau một thời gian dài nghiên cứu cũng đã phải thừa nhận rằng, đây là việc làm gây lãng phí và mất thời gian.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.

Được biết, Bộ Kế hoạch & Đầu tư là cơ quan tham mưu cho Chính phủ về ý tưởng trên. Mục đích của việc làm 1km đường cao tốc mẫu nhằm làm căn cứ để xác định chi phí đầu tư và tính thời gian thu phí hoàn vốn cho các dự án đường cao tốc ở nước ta. Đây là việc làm cần thiết để minh bạch về các dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc tới dư luận. Bộ GTVT, Bộ Xây Dựng và Bộ Kế hoạch & Đầu tư là 3 cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ phối hợp nghiên cứu để hiện thực hóa ý tưởng này. Thế nhưng, đến ngày 6/3/2018, trong cuộc họp về việc xây dựng định mức đầu tư mới 1km đường bộ, ông Bùi Phạm Khánh – Thứ trưởng Bộ Xây dựng đã gây bất ngờ khi thẳng thắn rằng, nếu làm mẫu 1km đường để xác định định mức là không thể làm được. Thậm chí, lãnh đạo Bộ Xây dựng nhận định, nếu cứ làm như thế sẽ chỉ lãng phí và mất thời gian vì không phản ánh đúng khoa học về xây dựng định mức.

Ý kiến của lãnh đạo Bộ Xây dựng đã nhận được sự đồng tình của phần đông đại biểu có mặt trong cuộc họp, trong đó có lãnh đạo Bộ GTVT, Văn phòng Chính phủ và ngay cả Bộ Kế hoạch & Đầu tư – đơn vị tham mưu ý tưởng trên cho Chính phủ. Thậm chí, một đại biểu đến từ Viện Kinh tế Xây dựng (Bộ Xây dựng) còn không ngần ngại phê phán ý tưởng làm định mức cho 1km đường của Bộ Kế hoạch & Đầu tư là không có chuyên môn sâu về quản lý kinh tế - kỹ thuật. Còn lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, do đặc thù của công trình giao thông kéo dài theo tuyến, mỗi công trình có điều kiện xây dựng, giải pháp thiết kế, khối lượng xây dựng, phương án tổ chức thi công khác nhau, nên việc xây dựng thí điểm 1km đường chưa đủ điều kiện xác định định mức đảm bảo phản ánh đúng định mức hao phí bình quân.

Trong những năm qua, cụm từ “con đường đắt nhất hành tinh” gắn liền với những dự án xây dựng đường mới ở nước ta liên tiếp được ra đời, khiến dư luận đặt ra nhiều thắc mắc về chi phí đầu tư, giá thành thi công các công trình đường bộ của Việt Nam. Có đại biểu Quốc hội từng đưa ra dẫn chứng cụ thể về suất đầu tư trung bình cho 1km đường cao tốc ở nước ta có sự chênh lệch rất lớn so với nhiều nước phát triển trên thế giới. Tuy nhiên, kể từ khi ra đời vào cuối năm 2016 đến nay, chủ trương làm 1km đường cao tốc mẫu từ kỳ vọng sẽ trở thành cơ sở để đánh giá chi phí xây dựng thực tế dường như đi vào ngõ cụt bởi những nhận định gây sốc nói trên.

Dĩ nhiên để minh bạch hoá thì ý tưởng xây dựng đường mẫu để làm căn cứ là cần thiết, thế nhưng hiện thực hoá ý tưởng như nào cho phù hợp với tình hình thực tế để tránh lãng phí mới là điều cần phải bàn. Hiện, các đơn vị liên quan, trong đó có Bộ GTVT và Bộ Xây dựng vẫn đang tìm cách gỡ rối nhằm thực hiện được chỉ đạo của Thủ tướng theo cách khả thi và hiệu quả nhất. Mới đây, Bộ GTVT đang đề xuất lập thành đề án xây dựng thí điểm ở một số đoạn tuyến đi qua 3 vùng có điều kiện địa hình, địa chất khác nhau, với mỗi đoạn dài 3-5km đủ cho tổ chức thi công áp dụng thiết bị, công nghệ theo dây chuyền. Tuy nhiên, theo lãnh đạo bộ này, để thực hiện được phương án trên, Chính phủ sẽ phải bố trí nguồn kinh phí lên tới 2.000 tỷ đồng. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, con số này cũng không phải là nhỏ khi chỉ để làm đoạn tuyến thí điểm. Như vậy có nghĩa, câu chuyện tránh lãng phí trong vấn đề minh bạch kinh phí cao tốc hoá ra không hề đơn giản.