|
TS Nguyễn Văn Định – nguyên Trưởng khoa Bảo hiểm, trường Đại học Kinh tế quốc dân |
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, TS Nguyễn Văn Định – nguyên Trưởng khoa Bảo hiểm, trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, trong mở rộng diện bao phủ BHXH thì yếu tố quan trọng nhất vẫn là tổ chức.
Mở rộng chế độ cho đối tượng BHXH tự nguyệnThưa ông, với hệ thống BHXH đa tầng, tầng đầu tiên là trợ cấp hưu trí xã hội; ngân sách Nhà nước cung cấp một khoản trợ cấp cho người cao tuổi không có lương hưu. Tới đây, đối tượng được hưởng và mức trợ cấp nên được quy định thế nào?- Theo quy định, hiện tại, những người tuổi từ 80 trở lên được trợ cấp hàng tháng 270.000 đồng là rất thấp. Khi chúng ta xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, tầng 1 là trợ cấp hưu trí xã hội hoàn toàn do ngân sách Nhà nước thì mức trợ cấp cao đến độ nào, độ tuổi của đối tượng hưởng trợ cấp giảm dần đến đâu, hoàn toàn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế xã hội của đất nước. Ví dụ, kinh tế xã hội phát triển, tốc độ tăng trưởng cao thì đối tượng hưởng từ 80 tuổi thực hiện theo lộ trình giảm xuống 75, 70, cho đến tuổi về hưu.
|
Làm thủ tục chính sách cho người dân tại Bảo hiểm xã hội Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải |
Nghị quyết 28 đề cập mở rộng bao phủ BHXH ở khu vực phi chính thức nhưng 10 năm qua chúng ta thực hiện chính sách này mới chỉ có hơn 200.000 người lao động (NLĐ) tham gia. Ông có ý kiến gì về việc này?- Theo Nghị quyết 28, sẽ giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng còn 10 năm. BHXH tự nguyện đã triển khai được 10 năm nhưng đến nay mới có hơn 200.000 người tham gia vì Nhà nước chưa có sự hỗ trợ về phí bảo hiểm. Lần cải cách này, chúng ta đề ra một số đối tượng được hỗ trợ sẽ là giải pháp mới để mở rộng đối tượng.
Theo tôi, trong việc thực hiện các giải pháp, ngành BHXH Việt Nam cũng nên cải cách mô hình tổ chức. Hiện nay, mô hình thực hiện của cơ quan BHXH là ngành dọc 3 cấp (từ quận, huyện đến T.Ư) trong khi đối tượng tham gia BHXH tự nguyện chủ yếu ở xã, phường. Rất cần có sự phối hợp giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền với ngành BHXH để vận động, phổ biến, tuyên truyền chính sách để NLĐ hiểu được vai trò, ý nghĩa của BHXH và tham gia.
Hiện nay, những người tham gia BHXH tự nguyện mới được hưởng 2 chế độ (hưu trí và tử tuất), trong khi đối tượng BHXH bắt buộc là 8 chính sách. Nên mở rộng chính sách nào để thu hút đối tượng tham gia BHXH tự nguyện?- Tất nhiên, nếu mở rộng được chế độ (ốm đau, thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp) sẽ hấp dẫn nhiều NLĐ tham gia BHXH tự nguyện. Tuy nhiên, mức đóng góp vào quỹ BHXH phải cao hơn. Đây là vấn đề cần phải cân nhắc vì với mức đóng góp như hiện nay nhiều NLĐ đang gặp khó khăn, bởi phần lớn có thu nhập thấp và không ổn định. Nhưng, khi điều kiện kinh tế xã hội ngày càng phát triển và thu nhập của người dân tăng rất cần có lộ trình mở rộng các chế độ cho đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.
Chia sẻ nhưng áp dụng nguyên tắc đóng – hưởngThưa ông, nhiều người băn khoăn khi Nghị quyết 28 nêu: Việc kết hợp hài hòa các nguyên tắc đóng – hưởng và chia sẻ giữa người có mức lương cao với người có mức lương thấp để thu hẹp khoảng cách về thu nhập trong các đối tượng hưởng chế độ hưu trí. Nội dung này được hiểu và thực hiện thế nào?- Việc này phụ thuộc vào thiết kế chính sách. Chẳng hạn, Nhà nước quy định mức sống tối thiểu 3 triệu đồng thì dù NLĐ có đóng góp BHXH thấp đến đâu, mức trợ cấp hưu trí hàng tháng cũng phải đạt 3 triệu đồng trở lên. Tôi muốn nhấn mạnh đến việc, dùng chính sách để điều tiết những người có thu nhập cao, cho đối tượng thu nhập thấp nhưng sự chia sẻ chỉ áp dụng được ở mức độ nhất định. Và, dứt khoát áp dụng nguyên tắc đóng – hưởng mới khuyến khích được mọi người tham gia BHXH.
Thưa ông, khi kéo dài tuổi làm việc và tăng mức đóng BHXH, tỷ lệ phần trăm lương tính hưu trí giảm, liệu có sự mâu thuẫn?- Mức đóng BHXH tăng hay không lại là vấn đề lớn vì phí BHXH là một trong những khoản để tính ra giá thành sản phẩm. Nếu tăng mức đóng BHXH dẫn đến giá thành sản phẩm cao, ảnh hưởng đến cạnh tranh giữa các sản phẩm, ngành và cả quốc tế. Chúng ta nên hiểu mức hưởng giảm theo nghĩa tương đối. Nghĩa là giảm mức hưởng để cân đối quỹ BHXH hài hòa, chứ không phải thực hiện tùy tiện. Vì khi người ta đóng góp cao sẽ không thể hưởng mức thấp. Đây là những vấn đề lớn rất cần nghiên cứu kỹ trước khi thực hiện.
Tôi chỉ muốn nói, chính sách cải cách BHXH lần này về cơ bản là phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, mở rộng được diện bao phủ BHXH. Tuy nhiên chính sách có khả thi hay không lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là tổ chức thực hiện. Vì thế, để chính sách đi vào cuộc sống, có rất nhiều việc phải làm, trong đó cần phối hợp tuyên truyền, phổ biến đến tất cả NLĐ trong xã hội thấy được sự cần thiết, vai trò của BHXH để tham gia, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Xin cảm ơn ông!